Nhận diện động lực tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu GDP 2024
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước đang có nhiều yếu tố tích cực để tạo đà cho việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam vừa chịu tác động không nhỏ với những thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra nhưng cộng đồng doanh nghiệp và giới phân tích vẫn lạc quan vào bức tranh tổng thể chung với những gam màu sáng. Hơn cả, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để góp phần đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (chỉ số PMI) ngành sản xuất tích cực, đầu tư công được tập trung giải ngân và các chương trình hỗ trợ phục hồi sau bão số 3 được đẩy mạnh triển khai chính là động lực duy trì tăng trưởng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect trong báo cáo phân tích cập nhật vĩ mô với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế sau bão là ưu tiên hàng đầu” cũng đã có những góc nhìn đầy tích cực. Theo đó, mặc dù chịu thiệt hại do bão, các chuyên gia vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho Qúy 3/2024 là 6,4 - 6,8% và cho cả năm 2024 là 6,5%.
Những dự báo này trước hết dựa trên cơ sở tăng trưởng của 8 tháng đầu năm. Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo với kim ngạch xuất nhập tăng 15,9% và nhập khẩu tăng 18,1% trong 8 tháng năm 2024 là một kết quả rất khả quan. Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm với 3 điểm nhấn là: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể; áp lực lạm phát đã nhẹ bớt và việc làm giảm lần đầu tiên trong ba tháng gần nhất.., là chỉ dấu tốt cho việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
Các chuyên gia vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 là 6,5%. Ảnh: Ngọc Hiếu |
Từ diễn biến của sản xuất và xuất khẩu, ông Đỗ Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNDirect - nhận định: Chúng tôi duy trì đánh giá khả quan đối với triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.
Do đó, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay lên +15,2% so với cùng kỳ, tăng so với dự báo trước đó là 10 - 12% so với cùng kỳ; và nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu năm nay lên +17,2% so với cùng kỳ, tăng so với dự báo trước đó của chúng tôi là 13 - 15%. “Hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do cơn bão gây ra đối với nền kinh tế” - ông Hinh nhấn mạnh.
Cùng với các tín hiệu tích cực của sản xuất, xuất nhập khẩu thì sự vào cuộc rốt ráo của Chính phủ và các bộ ngành cũng là yếu tố quan trọng để kỳ vọng cho mục tiêu tăng trưởng của năm nay đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Cụ thể, chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế đang được triển khai rộng khắp thông qua việc tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão số 3. Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước hoạch định và thực hiện các chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, gia hạn, hoãn các loại thuế, phí và lệ phí; Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Đình Thiên nhận xét: Tăng cường giải ngân đầu tư công cho lĩnh vực hạ tầng sẽ lan tỏa sâu rộng tới nền kinh tế, “thấm” vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó tạo động lực kích thích tiêu dùng và sản xuất, giúp tăng trưởng kinh tế.
Một tín hiệu tích cực nữa cho nền kinh tế là môi trường tín dụng toàn cầu dần nới lỏng: Các ngân hàng trung ương lớn đã và đang đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất; Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách từ cuộc họp tháng 9 và sẽ cắt giảm tổng cộng 75 - 100 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm. Điều này đã tác động tích cực tới thị trường tiền tệ trong nước. Thực tế, nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng và tín dụng đã phục hồi đáng kể vào giữa tháng 8 đến nay, khiến lãi suất huy động duy trì đà tăng vừa phải.
Theo ông Đỗ Quang Hinh, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong bối cảnh thị trường ngoại hối ổn định, bắt đầu từ nửa cuối tháng 8. Cụ thể là việc tạm dừng phát hành tín phiếu, thể hiện sự chuyển dịch ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản và định hướng hạ nhiệt mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất tín phiếu và thị trường liên ngân hàng (OMO). Nhờ đó, “mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể với lãi suất qua đêm giảm xuống dưới 4,0%, cho thấy những động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả. Đồng thời, số dư ròng thông qua hoạt động OMO chuyển sang trạng thái bơm ròng, đánh dấu sự đảo ngược so với xu hướng rút ròng từ đầu tháng 6/2024” - ông Hinh dẫn chứng.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, diễn ra ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được Chính phủ đưa ra gồm: đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng… |