Nhân lực và hạ tầng: Hai điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu
Đây là nội dung được Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương cùng Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xây dựng đề án, chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 27/7.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Trưởng ban Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu |
Phát triển công nghiệp chưa tương xứng tiềm năng
Báo cáo với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2001-2020 trên địa bàn tỉnhBà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết: Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh bao gồm cả dầu khí (theo giá hiện hành) đạt 309.730 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với năm 2001. Cơ cấu kinh tế trừ dầu khí chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, năm 2001 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 47,59%, đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 55,63%, với chất lượng tăng trưởng tốt và nhanh, GRDP bình quân đầu người của tỉnh cả dầu khí đạt 12.958 USD/người.
Theo ông Tuấn, Bà Rịa - Vũng Tàu đang có sự chuyển biến mạnh về cơ cấu kinh tế. Nếu trước đây ngành công nghiệp tại tỉnh dựa vào khai khoáng dầu khí thì giờ đây đang dịch chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và hình thành khu công nghiệp hóa dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá về tình hình phát triển công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có nền công nghiệp phát triển mạnh, tuy nhiên sản xuất công nghiệp tại địa phương hầu như không có thêm sản phẩm mới với hàm lượng giá trị gia tăng cao. Trong số 35 sản phẩm có thế mạnh chủ yếu của tỉnh, có tới 28 sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày, sản xuất bánh kẹo…
Cùng với đó, sự tăng trưởng công nghiệp của tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương còn chậm. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có một dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Do đó, trong thời gian tới Bà Rịa - Vũng Tàu cần giảm bớt sự phụ thuộc này, đồng thời có những chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cần quan tâm, nhận diện rõ hơn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu trong phát triển công nghiệp như việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm, hạ tầng cụm công nghiệp phát triển chưa xứng với tầm năng, một số dự án đầu tư quy mô lớn về năng lượng chưa được triển khai theo kế hoạch đề ra… công tác bảo đảm môi trường vẫn còn những hạn chế… Cùng với đó, những vấn đề cơ chế, chính sách còn chưa hợp lý, chưa đồng bộ cần được rà soát kỹ, bám sát thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi quyền hạn của tỉnh.
Về những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tỉnh cần phát huy tối đa năng lực nội sinh và tính chủ động, tự chủ; đồng thời phải chú trọng đến yếu tố ngoại lực gắn với hội nhập quốc tế, cần có sự đánh giá sâu hơn về hiệu quả, chất lượng thực hiện, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ tập trung phát triển công nghiệp hay kinh tế nói chung, mà còn phát triển xã hội, xây dựng văn hóa, con người, nguồn nhân lực.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm, có chủ trương mới, cách làm hay thúc đẩy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, tận dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.
Về định hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đối với tỉnh cần quan tâm phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng - khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới. Tỉnh cần hoàn thiện hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, gắn với nâng cấp hệ thống các đô thị hiện có và tập trung đầu tư các đô thị mới; chú trọng quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng, tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp có phát thải các-bon thấp, hàm lượng khoa học công nghệ cao....