Nhân sự ngành công nghệ tiếp tục được săn đón trong năm 2019
Theo khảo sát mới đây của công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao Robert Walters (từ Anh Quốc) về lương và nhân sự các nước khu vực Đông Nam Á (bao gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam), sự ổn định của thị trường Việt Nam dẫn đến nhu cầu ngày càng lớn hơn đối với nhân sự cấp cao có kinh nghiệm trong việc ổn định và dẫn dắt doanh nghiệp hướng đến những mục tiêu phát triển xa hơn trong năm 2019. Trong đó, nhân sự ngành công nghệ sẽ tiếp tục được săn đón trong năm tới nhờ sự chuyển dịch số hóa ngày càng mạnh mẽ.
Nhân sự ngành công nghệ tiếp tục được săn đón trong năm 2019 |
Ông Adrien Bizouard, Giám đốc Điều hành Robert Walters Việt Nam, nhận xét, “Năm 2018, tiền lương tại Việt Nam bắt đầu có bước ổn định cùng với sự ổn định của nền kinh tế. Trong một số ngành vốn đã có vị trí ổn định, một số ứng viên chấp nhận mức lương vừa phải để đổi lấy nhiều phúc lợi tốt hơn".
Theo Robert Walters, trong năm 2019, nhân sự nhảy việc có thể nhận mức tăng lương trung bình 15-25%. Nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục được săn đón khi xu hướng số hóa tràn qua ngày càng nhiều doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng nhìn thấy sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ nền tảng tiếp thị truyền thống sang xây dựng kế hoạch tiếp thị trực tuyến. Trong tất cả các lĩnh vực, ứng viên được trang bị những kỹ năng tốt trong mảng số hóa sẽ có nhiều ưu thế trên thị trường”, ông Adrien Bizouard cho hay.
Trước sự thiếu hụt nhân sự có chuyên môn và kỹ năng cần thiết, nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà tuyển dụng nên mở rộng tìm kiếm các nhân tài Việt sinh sống và học tập ở nước ngoài. Đây cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đang thực hiện.
Để đảm bảo thu hút được nguồn nhân sự chất lượng cao, các doanh nghiệp nên xem xét tối ưu hóa quá trình tuyển dụng. Điều này bao gồm việc xem xét đơn giản hóa và tinh giản hóa quá trình tuyền dụng, nêu rõ các kỳ vọng và yêu cầu công việc ngay từ đầu.
Để thực hiện được điều này, bộ phận nhân sự và giám đốc tuyển dụng của các doanh nghiệp nên làm việc chặt chẽ hơn để giảm thiểu sự chậm trễ không cần thiết trong quá trình tuyển dụng nhân tài.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav |
Theo giới chuyên gia, tuyển dụng nhân tài đã khó, tuy nhiên, việc giữ chân nhân tài cũng đồng thời là một thách thức lớn mà các công ty sẽ tiếp tục phải đối mặt, đặc biệt là các nhân sự trẻ thường tìm kiếm trải nghiệm mới và mong muốn phát triển bản thân. Để vượt qua thử thách này, các công ty cần mang đến nhiều hơn những cơ hội phát triển cho người lao động.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav chia sẻ, với kinh nghiệm hơn 20 năm của một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, không dễ để tuyển dụng được nhân sự có khả năng làm việc ngay, dù thành tích học tập có thể cao.
"Khi làm việc trong ngành công nghệ thông tin, người lao động không chỉ cần có chuyên môn tốt mà còn đòi hỏi khả năng làm việc nhóm, có ngoại ngữ và sự kiên trì theo đuổi thực hiện mục tiêu đến cùng. Thiếu những yếu tố này, dù có điểm số cao, bằng đẹp nhưng họ chưa chắc có thể gắn bó làm việc lâu dài hay cùng tạo dựng một thành công lớn hơn cho tập thể", ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, xu hướng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp đang tăng, với dự báo nhu cầu nhân lực CNTT ở Việt Nam lên tới hơn 1 triệu người vào năm 2020. Thế nhưng thực tế nguồn nhân lực hiện có vừa thừa lại vừa thiếu. Trong đó, dù chất lượng đầu vào tăng, chất lượng đào tạo cũng từng bước được nâng lên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng mềm và kỹ năng thực hành. Thêm vào đó, năng suất lao động chưa cao.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Nam cho rằng vấn đề mấu chốt là phải tăng sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo ở các khâu để tận dụng nguồn lực xã hội. Trong đó, doanh nghiệp cần dự báo nhu cầu, yêu cầu chất lượng; đặt hàng và xây dựng chuẩn đầu ra; có mạng lưới các trường, doanh nghiệp trao đổi chương trình, công nhận tín chỉ lẫn nhau.