CôngThương - Nhiệm kỳ thành công trong khó khăn
Đánh giá khái quát về nhiệm kỳ khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, nhiệm kỳ vừa qua là nhiệm kỳ đầy khó khăn. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và khu vực có những diến biến hết sức phức tạp. Cùng với đó là cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều hành đất nước của Chính phủ. Song, bằng việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, cùng sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, sự đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương; sự đoàn kết, nhất trí, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đây là tiền đề quan trọng để Chính phủ khóa XIII tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục hạn chế để đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt khá
Thủ tướng Chính phủ đã nghe báo cáo của các Bộ, ngành và kết luận, mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đã dần đi vào ổn định, trong đó, các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo. Cùng với đó, các chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 đạt trên 51 tỷ USD, tăng trưởng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng ghi nhận những con số tăng trưởng đáng mừng với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt trên 1.065 nghìn tỉ đồng, tăng tới 22,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,17% so với tháng 6, song vẫn thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm nay.
Bên cạnh sự tăng trưởng khá của các chỉ tiêu kinh tế, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói gần 17 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống cho nhân dân…
Kiên trì thực hiện các mục tiêu đã đề ra
“Dù kết quả đạt được là rất đáng mừng, song Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế trong điều hành kinh tế-xã hội trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Cùng với việc thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác điều hành, trên cơ sở phân tích tình hình trong và ngoài nước trong thời gian tới, những tháng còn lại của năm 2011 sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác điều hành của Chính phủ. Tình hình lạm phát vẫn ở mức cao; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân vẫn duy trì đà tăng; lãi suất ngân hàng tuy có giảm, song vẫn chưa ổn định, đặc biệt, các doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng… Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý như đã nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ đẫ đề ra từ đầu năm. Trong đó, cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.
Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có ngay các phương án hỗ trợ nông dân khôi phục, phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đề ra trong kế hoạch năm 2011.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Công Thương, bằng nhiều biện pháp đảm bảo nguồn cung điện cho sản xuất và đời sống của nhận dân. Hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện trong giờ hành chính, nhất là tại các khu vực có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất.
“Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan thông tấn, báo chí, cần bám sát các chủ trương điều hành của Chính phủ trong công tác thông tin, truyên truyền, góp phần tạo lên sự đồng thuận của nhân dân, cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2011” - Bộ trưởng Nguyên Xuân Phúc kết luận.
Liên quan đến các thông tin do Petrolimex mới công bố, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết: “Về lý thuyết, đây là một doanh nghiệp kinh doanh và phải có trách nhiệm bảo toàn vốn và có lợi nhuận. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, mức lợi nhuận này là 300 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 và đầu 2011, giá xăng, dầu thế giới liên tục tăng nên chúng ta đã thực hiện giảm thuế nhập khẩu và yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu nộp tiền vào Quỹ Bình ổn giá với mức khá cao. Nhờ thế, giá xăng dầu đã có chiều hướng dịu xuống. Những tháng đầu năm, nếu tính toán theo giá cơ sở so với giá bán hiện hành thì kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Vì thế, từ nay đến cuối năm, cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp kinh doanh bình thường". Ông Thỏa cũng cho rằng: “Việc Petrolimex báo cáo lãi là do đơn vị này chuẩn bị IPO nên trong cáo bạch có dự kiến từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có lãi. Còn con số lãi chính thức từ đầu năm đến nay là bao nhiêu sẽ có kết quả chính thức từ cơ quan kiểm toán”. |