Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã tổ chức tại Văn phòng Bộ Công Thương phía Nam (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết: “Hội thảo là một bước trong quá trình xin ý kiến của Bộ. Sau hội thảo, Bộ sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình toàn bộ các cái ý kiến, bao gồm ý kiến đóng góp bằng văn bản hoặc qua các kênh trực tiếp, gián tiếp tới Bộ, Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Rất mong từ những góc nhìn, kinh nghiệm, kiến thức để có thể giúp đưa ra những ý kiến mang tính chất xây dựng hoàn thành mục tiêu đặt ra”.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cũng thông tin thêm, trước khi hội thảo diễn ra đã nhận được nhiều ý kiến bằng văn bản của các đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch mua bán hàng hóa các địa phương.
“Đây là lĩnh vực mới mẻ, nên còn khó khăn, vướng mắc, vì vậy, nhận chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thay thế những nghị định, quy định sao cho phù hợp với bối cảnh pháp luật hiện nay”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh rất mong được lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, giúp Ban soạn thảo có thể rà soát lại các nội dung đang được đưa vào dự thảo.
Đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đã trình bày về quan điểm, định hướng xây dựng dự thảo Nghị định và các nội dung của dự thảo Nghị định để các đơn vị tham dự hội thảo có cái nhìn tổng quan hơn về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đã trình bày về quan điểm, định hướng xây dựng dự thảo Nghị định và các nội dung của dự thảo Nghị định. (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Nhiều ý kiến đóng góp chất lượng
Về phía hiệp hội, ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chia sẻ một số ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định như tại Điều 27 Khoản 5, việc thu phí thành viên, phí giao dịch, phí cung cấp dịch vụ thông tin và các loại phí dịch vụ khác theo Điều lệ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa và theo quy định của pháp luật. Mức phí thu cần có sự thỏa thuận giữa người tham gia và sàn theo quy định của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp và nông dân tham gia giao dịch. Khối lượng giao dịch thấp và không đạt được kỳ vọng đã khiến cho sàn không thể duy trì hoạt động hiệu quả.
Ông Lê Việt Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chia sẻ một số ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định. (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Ông Lê Việt Anh cũng nêu vấn đề khó thực hiện như: Điều 32, Khoản 2, Mục c) Tổng khối lượng giao nhận thực tế hàng hóa là nông sản từ 100.000 tấn hàng hóa trở lên trong năm liền trước hoặc 12 tháng liền trước thời điểm thông báo; Mục d) Tổng giá trị giao dịch hợp đồng hàng hóa tương lai là nông sản từ 10.000 tỷ đồng trở lên và tổng khối lượng giao nhận thực tế hàng hóa là nông sản đạt mức từ 50.000 tấn hàng hóa trong năm liền trước hoặc 12 tháng liền trước thời điểm thông báo.
“Đối với ngành hồ tiêu, điều này khó thực hiện khi lượng hàng hóa phải giao dịch thực tế qua sàn đạt tối thiểu 50.000 tấn trong khi đa phần canh tác sản xuất là những nông hộ có diện tích nhỏ lẻ bình quân 1,1 ha/hộ và doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hồ tiêu đa phần là doanh nghiệp quy mô rất nhỏ. Để đạt đủ số lượng 50.000 tấn thì cần phải có rất nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch tại sàn”, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cần xây dựng một cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ hơn, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa. Điều này bao gồm việc áp dụng công nghệ hiện đại để giám sát, quản lý rủi ro và ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường.
Đồng thời để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân vào Sở giao dịch hàng hóa, cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tư vấn, giúp họ hiểu rõ lợi ích và cách thức tham gia giao dịch qua sàn. Đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình giao dịch cũng là vấn đề rất quan trọng…
Hội thảo nhận được 8 ý kiến đóng góp của các đơn vị. (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Tại buổi hội thảo, TS. Trần Văn Bình - Chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao dịch hàng hóa, đưa ra ý kiến về việc công ty hàng hóa tương lai tại Điều 35 của Dự thảo Nghị định: “Sau khi được Bộ Công Thương thẩm định cấp phép hoạt động kinh doanh hàng hóa tương lai, nếu đủ điều kiện nộp hồ sơ thì trình Bộ Công Thương cấp phép hoạt động sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt. Quy định này cũng nên đưa rõ Điều 52 của dự thảo Nghị định quyền của thành viên (nếu đủ điều kiện nộp hồ sơ cấp phép sàn giao dịch hàng hoá chuyên biệt như cà phê, lúa, gạo, cao su...)”.
TS. Trần Văn Bình - Chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao dịch hàng hóa đưa ra ý kiến, góp ý tại hội thảo. (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Ông Bình cũng đặt câu hỏi về quy chế hoạt động cần làm rõ một số vấn đề như hiện nay, Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam dựa vào khung pháp luật nào bắt buộc các công ty thành viên hoạt động theo Luật doanh nghiệp như Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam phải cung cấp báo cáo tài chính có kiểm toán...?
Đồng thời, vị chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao dịch hàng hóa này cũng nhấn mạnh, tại Chương 8 về Quản lý đào tạo nghiệp vụ kinh doanh và nghiệp vụ môi giới hàng hóa tương lai mà cụ thể là Điều 96 cần ghi rõ các đơn vị đủ điều kiện đào tạo là các viện nghiên cứu, các viện, các khoa kinh tế thuộc các trường đại học. Việc cần ghi rõ trong Nghị định tránh các tổ chức đào tạo tự phát, làm rối loạn thị trường.
“Tại Điều 49 Chấp thuận tư cách thành viên của Sở giao dịch hàng hóa, công ty hàng hóa tương lai khi được Bộ Công thương cấp xác nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa tương lai thì đăng ký làm thành viên trên tinh thần tự thỏa thuận. Sở giao dịch hàng hóa không được thu bất kỳ loại phí nào trừ phí bảo đảm tư cách thành viên và phí hàng năm”, TS. Trần Văn Bình chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Văn Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Giao dịch Hàng hoá TVT, chia sẻ việc giới hạn trình độ như cần phải tốt nghiệp trung học phổ thông mới tham gia vào thị trường là chưa hợp lý.
Ông Bùi Văn Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Giao dịch Hàng hoá TVT. (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng cần mở rộng đối tượng tạo điều kiện tham gia thị trường là các tiểu thương và bà con nông dân để từ đó họ có kênh bảo hiểm hàng hoá. “Mong rằng chính sách sửa đổi, bổ sung nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm công cụ để bảo đảm được hàng hoá và tránh được những rủi ro khi sản xuất”, ông Bùi Văn Phi Long chia sẻ.
Bế mạc hội thảo, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, số lượng đóng góp ý kiến tương đối nhiều, đến từ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia quan tâm đến hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa. “Bộ Công thương luôn cầu thị, luôn sẵn sàng lắng nghe những trao đổi và sẵn sàng giải thích những vấn đề chưa rõ ràng”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Các ý kiến đóng góp là chất liệu cần thiết để Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Tuấn, ý kiến đóng góp là chất liệu cần thiết để Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền. Tiếp đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa vào ngày 27/9/2024 tới đây.