Nhiều cơ hội mới ở CH Trung Phi và Cameroon
- Chuyến thăm đã thu được những kết quả tốt đẹp và mở ra những triển vọng mới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại. Các doanh nghiệp tháp tùng đã có cơ hội tốt tìm hiểu thị trường nhiều tiềm năng nhưng còn khá mới mẻ, cơ sở cho hoạt động giao thương trong thời gian tới.
Tham gia đoàn còn có đại diện của Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh gạo, gỗ, điều, thương mại tổng hợp, chuyển giao công nghệ…
Tại CH Trung Phi, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và làm việc với Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Nghiên cứu và Đào tạo đại học, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Hợp tác, hội nhập và Pháp ngữ, Chủ tịch đảng cầm quyền KNK.
Mặc dù mới thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2008 nhưng quan hệ hai nước đã có bước phát triển rất vững chắc với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống CH Trung Phi tháng 5/2009 và tiếp đó CH Trung Phi cử đoàn đại biểu sang Việt Nam dự Diễn đàn Việt Nam – Châu Phi tháng 8/2010.
Hiện CH Trung Phi đang ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa vì vậy rất mong muốn hợp tác công nghiệp với Việt Nam, cam kết sẵn sàng cấp giấy phép khai khoáng cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang và Bộ trưởng Bộ Công Thương CH Trung Phi Marlyn Roosalem đã ký Biên bản ghi nhớ giữa về hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - CH Trung Phi và thăm quan các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khoáng sản, gỗ của bạn…
Tại Cameroon, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã có các buổi làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại, Tổng thư ký Bộ Kinh tế Cameroon. Tại các buổi làm việc, Cameroon nhắc lại mong muốn của Tổng thống Cameroon trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Chuyến thăm của Đoàn Bộ Công Thương được xem là tạo đà mạnh mẽ cho gia tăng hợp tác song phương. Cụ thể, Cameroon mong muốn nhập khẩu gạo trực tiếp từ Việt Nam cũng như học tập kinh nghiệm trồng lúa, trồng và chế biến cao su, cà phê, hạt tiêu của Việt Nam.
Tháng 2 năm nay, Cameroon đã thành lập Công ty cung ứng hàng thiết yếu để bảo dảm nguồn hàng ổn định, ổn định giá cho thị trường và đây sẽ là đầu mối nhập gạo của Việt Nam.
Ngoài ra, Cameroon đặc biệt khuyến khích các công ty Việt Nam tham gia các dự án khai khoáng, phát triển thủy điện và chế biến gỗ tại nước này. Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Cameroon, tham quan các cơ sở chế biến gỗ, chuối, khu vực trồng chè và khu vực bảo tồn sinh thái của Cameroon.
Đặng Thanh Phương Vụ VK4