Nhiều điểm mở theo tinh thần hội nhập
Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo hành lang phát lý thuận lợi cho du lịch phát triển |
Nhiều vướng mắc
Luật Du lịch 2005 được ban hành là một trong những dấu ấn quan trọng nhất, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hoạt động của ngành Du lịch. Tuy vậy, qua 10 năm, tình hình có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế về du lịch ngày càng sâu rộng, một số nội dung quy định trong luật hiện hành chưa rõ ràng đã tạo ra cách hiểu khác nhau, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế. Như quy định về chính sách phát triển du lịch, việc hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa cụ thể, khó triển khai trên thực tế. Tài nguyên du lịch được quản lý bởi nhiều cơ quan, nhưng chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể quản lý và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp.
Nhiều quy định về tuyến du lịch không còn phù hợp với thực tế. Hay điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa tại luật được quy định đơn giản hơn so với điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, không cần giấy phép, không ký quỹ dẫn đến sự bất bình đẳng, chênh lệch về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch là công dân Việt Nam thấp hơn cho du khách nước ngoài.
Đặc biệt, quy định về hướng dẫn viên cũng tạo nên sự bất bình đẳng giữa hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên nội địa khi quy định người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải tốt nghiệp đại học trở lên. Một số loại hình lưu trú mới xuất hiện nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh. Quy định về thẩm định, thẩm định lại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch bắt buộc bộc lộ một số hạn chế, không phù hợp với thực tế kinh doanh lưu trú…
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Tại phiên thảo luận và thông qua báo cáo thẩm tra sơ bộ về Luật Du lịch (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, luật hiện hành sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới.
Theo đó, Luật Du lịch (sửa đổi) được tiến hành dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển du lịch, tham khảo Luật Du lịch của các nước, vận dụng phù hợp với những thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đồng thời, đưa ra mục đích, quan điểm chỉ đạo rõ ràng nhằm đảm bảo tính minh bạch, khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới ban hành… Đồng thời khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao, phát triển có trọng tâm, trọng điểm; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện - chỉ rõ, Luật Du lịch (sửa đổi) có nhiều điểm mở theo tinh thần hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngành Du lịch không thể phát triển tốt và không thể tự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và người dân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 9 chương, 83 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về khách, tài nguyên, quy hoạch phát triển du lịch; quy định về khu, điểm, tuyến và đô thị du lịch; kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch; xúc tiến, hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch. |