Xin bà cho biết, ý nghĩa của Luật Du lịch (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam?
Luật Du lịch được phê duyệt từ năm 2005, đến nay có rất nhiều thay đổi từ thực tiễn. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để điều chỉnh Luật Du lịch phù hợp yêu cầu phát triển. Khi chúng tôi sửa đổi Luật Du lịch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tư tưởng trong Nghị quyết 08 đã được pháp luật hóa trong Luật Du lịch. Cụ thể, khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và nhà nước có chính sách tốt nhất để du lịch phát triển; bảo đảm quyền lợi của khách du lịch được tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch |
So với Luật Du lịch (năm 2005), Luật Du lịch (sửa đổi) có những quy định mới nào về điều kiện hoạt động kinh doanh trong ngành?
Các điều khoản được quy định hoạt động kinh doanh du lịch đều xoay quanh trục bảo đảm lợi ích của du khách, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các công ty lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ khác đều có những ràng buộc về trách nhiệm. Cụ thể: Giảm quy định về thủ tục hành chính trong cấp phép lữ hành quốc tế; bổ sung điều kiện kinh doanh của lữ hành nội địa; xếp hạng sao lưu trú tự nguyện; giảm điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên, tăng kỹ năng nghề; quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Để phát triển du lịch, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư. Luật Du lịch (sửa đổi) có những quy định gì với lĩnh vực này, thưa bà?
Việc thu hút các nhà đầu tư thể hiện rất rõ trong Điều 5 về chính sách phát triển du lịch. Đó là: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch sẽ được hưởng mức ưu đãi đầu tư cao nhất khi nhà nước áp dụng triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ các ngành nghề tham gia hoạt động du lịch. Luật đã đưa vào những quy định với quan điểm nhấn mạnh mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác để tăng cường đáp ứng yêu cầu của du khách cũng như để khách lưu trú dài, chi tiêu nhiều hơn, ngoài những dịch vụ cơ bản như lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên…
Luật Du lịch 2017 là dấu ấn lịch sử của ngành du lịch trong tình hình mới (Ảnh:Internet) |
Trong quá trình soạn thảo Luật Du lịch (sửa đổi), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, truyền thông. Đơn cử, việc thành lập thanh tra, cảnh sát du lịch, văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài... Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã đưa ra bàn thảo rất kỹ lưỡng và nhiều lần về các vấn đề này. Trên thực tế, có một số vấn đề cần nắm rõ, xem xét trong tổng thể, đó là: Luật Du lịch phải thống nhất, không thể đi ngược với các hệ thống luật khác có liên quan…
Xin cảm ơn bà!
Tháng 1/2018, Luật Du lịch sẽ có hiệu lực. Để triển khai và đưa Luật đi vào cuộc sống, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án phổ biến Luật; thực hiện các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn và từng bước phổ biến đến các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức liên quan. |