Nhiều doanh nghiệp khát nguồn nhân lực chất lượng cao
Ông Trịnh Hòa, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Minh Hằng Nga (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, do công ty mở rộng thêm hai dây chuyền may mặc quần áo và sản xuất thực phẩm xuất khẩu, gần một năm nay đăng tuyển hai vị trí giám đốc quản lý và 5 vị trí quản đốc xưởng sản xuất nhưng chỉ được một người. “ Nguồn nhân lực cấp cao như là vốn cố định của công ty, rất khó bổ sung vốn nhưng lại dễ bốc hơi”, ông Hòa dí dỏm nêu về thực trạng của việc tìm người làm giám đốc, quản lý công ty hiện nay.
Đại diện Navigos Group cho biết, top 3 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất thuộc lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam hiện nay là quy trình/sản xuất; cơ khí và điện/điện tử. Khảo sát trong 6 tháng tới, có đến 75% ứng viên trong lĩnh vực sản xuất có ý định thay đổi công việc vào cuối năm 2019. Các ứng viên cấp càng cao có ý định chuyển việc càng nhiều, theo đó 83% ứng viên thuộc cấp giám đốc hoặc cao hơn sẽ chuyển việc trong cuối năm 2019 và 76% nhóm ứng viên thuộc cấp trưởng phòng/quản lý cũng có đồng quan điểm. Nguyên nhân số đông nhân sự cấp cao muốn chuyển việc chủ yếu là mong muốn có mức lương thưởng cao hơn; muốn có chính sách phúc lợi tốt hơn và một vị trí, chức vị cao hơn.
Công ty Tư vấn và tuyển dụng dụng nhân sự cao cấp Robert Walters tổ chức công bố thông tin về tuyển dụng nhân sự cấp cao tại thị trường Việt Nam sáng ngày 23/10 tại TP. Hồ Chí Minh |
Sáng ngày 23/10, Công ty Tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao Robert Walters công bố kết quả khảo sát chuyên sâu về lĩnh vực “Tuyển dụng và phát triển nhân tài dựa trên tiềm năng của họ” tại Việt Nam. Bà Linh Phạm - Giám đốc tuyển dụng mảng Pháp lý và Nhân sự của Robert Walters - cho biết, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự lớn, đặc biệt là những ứng viên có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đảm nhận những vị trí mới tại các DN. Hiện tại, không ít DN đang cần từ 100-300 nhân cự cấp cao là CEO, quản đốc, giám đốc các ngành hàng song việc tuyển dụng ngay để có người quản lý, điều hành DN là không dễ. Để có nguồn nhân lực cấp cao này, nhiều DN đã chọn giải pháp chọn những ứng viên có kinh nghiệm và tiềm năng để trở thành những lãnh đạo giỏi của công ty trong tương lai.
Theo bà Linh Phạm, tại khu vực Đông Nam Á, các công ty tuyển dụng nhân tài có xu hướng dựa trên tiềm năng của họ thay vì nền tảng kinh nghiệm và kiến thức sẵn có. Hướng tiếp cận này thường mang lại tỷ lệ tuyển dụng thành công ở mức 94%. Ngoài yếu tố ưu tiên là kinh nghiệm, khả năng để đảm đương tốt nhiệm vụ được giao, thái độ tốt với công việc và sự thích nghi, hòa hợp với văn hóa DN đang là những yếu tố ngày càng được các DN coi trọng. Hiện các nhà tuyển dụng đang đầu tư nhiều hơn vào quá trình đào tạo, phát triển nhân tài, đó là một dấu hiệu cho thấy các công ty đang tập trung hướng đến xây dựng đội ngũ nhân sự cho tương lai. “Tuyển dụng nhân tài dựa trên tiềm năng của họ sẽ mang lại lợi ích lớn cho DN. Những nhân viên có tiềm năng lớn thường thể hiện sự nghiêm túc, sự gắn bó với công ty và thái độ nhiệt tình hơn khi được trao cơ hội”, bà Linh Phạm chia sẻ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong 9 tháng của năm 2019, đã có hơn 29.600 DN đăng ký thành lập mới, tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng và cần khoảng 10.000 người quản lý và vận hành công ty. Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, trong quý IV/2019, nhu cầu tuyển dụng lao động của TP.Hồ Chí Minh khoảng 75.000 chỗ làm, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu như điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chiếm 17,4%.
Theo Falmi, từ nay đến cuối năm, nhu cầu cần người làm việc của các DN trên địa bàn thành phố tăng mạnh nhằm để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm. Cụ thể như nhóm ngành kinh doanh - bán hàng nhu cầu tuyển dụng chiếm 23,24%, dịch vụ phục vụ chiếm 15,55%. Đặc biệt, nhu cầu về nguồn nhân lực tại các DN hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút cần nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%; cao đẳng chiếm 17,04%; trung cấp chiếm 26,04%; sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.