Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản giảm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chính của Việt Nam, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… giảm lượng nhập khẩu. Trong khi đó, một số thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng thì chúng ta mới tiếp cận nên chưa khai thác được nhiều.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản, theo ông Hải, không phải đến thời điểm hiện nay Bộ Công Thương -cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông, thủy sản - mới bàn đến việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản mà từ lâu, chúng ta đã có nhiều giải pháp. Đặc biệt là việc tìm kiếm, mở cửa các thị trường xuất khẩu thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Theo đó, cho đến nay, đã có rất nhiều Hiệp định thương mại tư do được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Mới đây nhất chúng ta đã ký kết với Hàn Quốc, trong một vài ngày nữa, chúng ta sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Á - Âu và có thể trong tháng 6 sẽ ký với EU và hy vọng trong thời gian gần nhất chúng ta sẽ ký được Hiệp định đối tác xuyên Thái Binh Dương - TPP.
“Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông, thủy sản”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã tiến hành rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông, thủy sản ở cả trong và ngoài nước.
Một trong những giải pháp cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, là việc cung cấp thông tin thị trường cụ thể đối với từng mặt hàng cho doanh nghiệp để chủ động trong hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh những giải pháp nói trên, để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản, chúng ta cần có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông, thủy sản bám sát các quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu.
Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá
Trước đó, thông báo tới các cơ quan báo chí về kết quả phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015 vừa kết thúc chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo đó, lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16% và 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, như: sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung bộ và Tây Nguyên; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014...
“Tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được khi tình hình thế giới còn khó khăn, diễn biến khó lường mà cần tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu năm 2015 đã trình Trung ương, Quốc hội” - ông Nên cho biết.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô. Theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và theo tín hiệu thị trường.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, trong đó đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch, phương án đã được duyệt của từng Bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình. Đồng thời tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.