Nhiều giải pháp quản lý tiền chất
Các bộ, ngành và địa phương vào cuộc mạnh mẽ
- Trong số 42 tiền chất, Bộ Y tế quản lý 10 loại tiền chất, Bộ Công Thương quản lý 32 loại (30 loại do Cục Hóa chất cấp giấy phép, 2 loại do Vụ Xuất nhập khẩu cấp phép tạm nhập, tái xuất). Trong số 42 loại tiền chất phải quản lý có 18 loại tiền chất thiết yếu (Bộ Công Thương quản lý 10 loại, Bộ Y tế quản lý 8 loại).
Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hơn 10 năm thực hiện Luật phòng, chống ma tuý, công tác quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp của Bộ Công Thương đã đi vào nề nếp, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng không để bị lợi dụng vào việc sản xuất, điều chế ma túy.
Phối hợp với các cơ quan hữu trách quản chặt các khâu
Đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 4 văn bản về quản lý tiền chất; tổ chức cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất; phối hợp với Văn phòng thường trực Phòng, chống tội phạm và ma tuý (Bộ Công an), Tổng cục Hải quan, cơ quan công an các địa phương, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương các địa phương, kiểm tra định kỳ các cơ sở có sử dụng tiền chất công nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiền chất trên địa bàn cả nước…
Hầu hết các loại tiền chất đều phải nhập khẩu, chỉ có một số ít trong nước sản xuất được. Tiền chất rất quan trọng trong các ngành công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, y tế và nghiên cứu khoa học nên không thể dùng giải pháp “không quản được thì cấm”. Trong thực tế, những tiền chất sử dụng sản xuất ma túy cũng lại là những hóa chất thông dụng trong cuộc sống, đôi khi đó là những hóa chất cơ bản không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất như axit acetic, axit sunlfuric, toluene … Nếu không nắm rõ được mục đích sử dụng của các đối tượng, khó có thể phân biệt được khi nào nó đóng vai trò là hóa chất công nghiệp, khi nào nó là tiền chất để sản xuất ma túy…
Nỗ lực trước những yêu cầu mới về kiểm soát tiền chất
Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất trong thời gian tới là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng ngừa thất thoát tiền chất vào các mục đích bất hợp pháp. Cần phải khẳng định, không có tiền chất sẽ không có ma túy. Muốn xã hội trong sạch và lành mạnh thì yếu tố đầu tiên là không được để thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tiền chất trong tình hình mới, theo bà Liên, trước hết cần có sự đánh giá phân loại tiền chất theo các cấp độ khác nhau. Trong đó, tiền chất nguy cơ cao là những hóa chất được sử dụng để điều chế, sản xuất ma túy, nó tham gia một phần hoặc toàn bộ vào cấu trúc phân tử cuối cùng của chất ma túy. Tiền chất thông thường là những hóa chất được sử dụng làm chất phản ứng hoặc làm dung môi, chất thử trong điều chế bất hợp pháp các chất ma túy tại Việt Nam. Từ cơ sở phân loại sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát tiền chất phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt, cần phối hợp linh hoạt giữa việc học tập kinh nghiệm quản lý tiền chất ở các nước trên thế giới với việc vận dụng kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Cụ thể, phải nghiên cứu phương pháp, chủng loại nguyên liệu từ các vụ điều chế trong nước để xác định các tiền chất có nguy cơ cao tại Việt Nam để tìm giải pháp quản lý thích hợp.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp trên cơ sở hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Dự thảo Thông tư sẽ quy định theo hướng: Phân loại tiền chất theo cấp độ để quản lý; quản lý chặt chẽ kinh doanh tiền chất trong nội địa; tăng cường kiểm tra định kỳ các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, tồn trữ, vận chuyển tiền chất…
“Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tiền chất, không để lợi dụng sản xuất, điều chế ma túy, nhưng không làm ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến tiền chất” - bà Nguyễn Kim Liên nhấn mạnh.
Nhóm PV (thực hiện)