Nhiều quốc gia mong muốn gia nhập CPTPP
Trong năm 2021, bốn nền kinh tế bao gồm Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ecuador đã chính thức xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Gần đây, Hàn Quốc cũng gửi những tín hiệu mạnh mẽ về mong muốn tham gia hiệp định này.
Một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng bày tỏ ý định xin gia nhập, bao gồm 3 nước trong ASEAN: Thái Lan, Philippines và Indonesia.
3 quốc gia này bày tỏ các mức độ quan tâm khác nhau đến việc gia nhập CPTPP và đã bắt đầu những nghiên cứu không chính thức các hành động cần thiết để chính thức tham gia hiệp định thương mại.
Hiệp định CPTPP đang là một hiệp định hấp dẫn đối với những nước này với nhiều ưu đãi khi tiếp cận với một số thị trường lớn từ các nước phát triển. Các nước ASEAN cũng đang có nhu cầu thu hút đầu tư – đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc gần đây đã khơi dậy những lợi ích tiềm năng mà các quốc gia ASEAN có thể khai thác từ thị trường 1,4 tỷ dân. Hơn nữa, do những bất ổn tiềm tàng của Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (GSP) của Hoa Kỳ, trong đó, Thái Lan, Philippines và Indonesia là những nước hưởng lợi lớn, các nước này có nhu cầu tìm những thiết chế mới để thúc đẩy xuất khẩu. Mặc dù vậy, các nước này vẫn chưa chính thức tuyên bố ý định tham gia.
Lễ ký kết chính thức hiệp định CPTPP tại Chile vào tháng 3/2018 |
Thái Lan từ lâu đã bày tỏ mong muốn tham gia hiệp định CPTPP. Bộ Thương mại và tài chính Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi của hiệp định từ khi hiệp định này vẫn còn được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã vấp phải sự phản đối từ các nhóm lợi ích khi nhiều người bảy tỏ lo lắng về khả năng tiếp cận dược phẩm trong nước và mong muốn bảo vệ thị trường nông sản nội địa.
Vào tháng 11/2021, một quan chức chính phủ nước này tuyên bố Thái Lan đặt mục tiêu tham gia các cuộc đàm phán tư cách thành viên của hiệp định. Tuy nhiên, người này cũng lưu ý rằng một số điều khoản sẽ cần được thương lượng nội bộ trước khi chính thức tuyên bố ý định tham gia.
Gần đây, đại sứ Thái Lan tại Hoa Kỳ - ông Manasvi Srisodapol đã nói với Phòng Thương mại Hoa Kỳ rằng Thái Lan “nhận thấy những lợi ích tiềm năng từ việc tham gia hiệp định thương mại. Chúng tôi đang trong quá trình tham vấn với các bên liên quan và đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng của Thái Lan nhằm đảm bảo chúng tôi có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới bao trùm”.
Ông Manasvi cũng cho rằng việc trở thành thành viên của CPTPP cùng với hiệp định RCEP mà Thái Lan đã trở thành thành viên sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế mới nổi lên và thúc đẩy hội nhập kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng.
Giống như Thái Lan, mối quan tâm của Philippines đối với CPTPP rất rõ ràng nhưng quá trình tham vấn và phân tích pháp lý về các điều khoản vẫn đang bị kéo dài. Hồi đầu năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez đã chỉ đạo các quan chức thương mại Philippines tìm hiểu các cơ hội gia nhập hiệp này.
Ngày 3/2/2021, ông Ramon Lopez đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Damien O’Connor, chính thức hỏi về quá trình tham gia. Một năm sau, nước này vẫn tiếp tục làm việc với các bên liên quan.
Gần đây, đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez cho biết thông tin Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP đã khiến hiệp định này trở nên hấp dẫn hơn. Philippines hiện đã ký kết hiệp định RCEP – gồm 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, mặc dù quốc hội Philippines chưa phê chuẩn hiệp định.
Ông Jose cho biết, ban đầu Philippines quan tâm đến hiệp định TPP vì muốn tiếp cận thị trường Hoa Kỳ - vốn là thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận, Philippines bắt đầu tìm kiếm một hiệp định tự do song phương Mỹ - Philippines.
Indonesia là quốc gia có ít khả năng tham gia CPTPP trong tương lai gần. Hồi 2015, tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ ý định tham gia hiệp định TPP. Tuy nhiên, hiện nay, khả năng nước này đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP còn rất khó.
Mặt khác, Indonesia đang dành sự ưu tiền để phê chuẩn hiệp định RCEP. Các cuộc thảo luận để phê chuẩn RCEP diễn biến hết sức tích cực. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần sự phê chuẩn của Hạ viện Indonesia – dự kiến có thể đạt được trong quý này. Sau khi hoàn tất việc phê chuẩn RCEP, rất có thể Indonesia sẽ xem xét thêm CPTPP.