Nhớ cố Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan
Tháng 2/2000, ông Vũ Khoan được phân công làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Đồng thời ông được cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.
Khoảng thời gian ông Vũ Khoan giữ chức vụ Bộ trưởng không dài so với nhiệm kỳ một Bộ trưởng (ông đảm nhiệm chức vụ này đến tháng 7/2022) song có nhiều sự quan trọng đánh dấu bước hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là sự kiện kết thúc đàm phán để đi đến ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) vào tháng 7/2000 ở Washington D.C của Hoa Kỳ.
Cần nhắc lại rằng, ở thời điểm đó, sau quá trình dài đàm phán khó khăn, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa thể đi đến ký kết BTA, mà vẫn yêu cầu phải đàm phán bổ sung. Ông Vũ Khoan vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại đã được giao nhiệm vụ quan trọng: đàm phán với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky để đi đến hoàn tất và chính thức ký kết Hiệp định.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, người từng nhiều năm làm việc trực tiếp với ôg Vũ Khoan nhớ lại, khi đó Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan trực tiếp gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ C. Barshefsky tại thủ đô Washington để thương thuyết. Tại một buổi gặp, Bộ trưởng Vũ Khoan nói đại ý, ông đến đây với thiện chí, với dụng ý tốt là cùng bà C. Barshefsky đạt một thỏa thuận mang đến sự cân bằng lợi ích và cùng có lợi. Muốn vậy, mong phía Hoa Kỳ cân nhắc đến những đề nghị hợp lý của Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Khoan nhấn mạnh: “Đàm phán và ký kết Hiệp định này, ngoài ý nghĩa kinh tế - thương mại, điều rất quan trọng là chúng ta phải tính đến lợi ích chiến lược trong quan hệ hai nước 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa. Hy vọng hai bên có tầm nhìn xa, chiến lược để hoàn tất và ký kết được Hiệp định này”.
Cách trao đổi chân tình, cởi mở, có tầm của Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đã tạo ra không khí cởi mở cho cả hai bên ngay từ những phút đầu tiên khi hai đoàn bước vào đàm phán. Mọi cản trở, khó khăn khi đó dường như trở nên dễ dàng hơn, hai bên đã cùng đi đến kết thúc đàm phán trong dịp này và chính thức ký kết BTA vào ngày 13/7/2000.
“Việc ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ là bước đi vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho Việt Nam thúc đẩy đàm phán với các nền kinh tế khác, để gia nhập WTO và tiếp tục tiến những bước dài sau đó trong quá trình xây dựng, hội nhập và phát triển đất nước”, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đánh giá.
Sau gần một phần tư thế kỷ, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng vài trăm lần, điều mà rất ít người khi đó có thể nghĩ đến. Điều quan trọng hơn là quan hệ hai nước đã ở tầm chiến lược, hoặc tương đương, như thấy trước tầm nhìn của cố Bộ trưởng Vũ Khoan.
Một sự kiện cũng rất đáng nhớ nữa là cùng với hội nhập, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được đặt đúng vị trí và nâng tầm quản lý nhà nước dưới thời Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan.
Sau này khi đã nghỉ hưu, có lần ông Vũ Khoan kể trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông thấy có điều lạ là tại sao Việt Nam là nước có tiềm năng xuất khẩu hàng hoá, hàng Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng vậy mà sao vẫn cứ ngồi chờ người ta đến thay vì chủ động mang hàng đi các nước.
Và không lâu sau khi ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, tháng 7/2000, Cục Xúc tiến thương mại được chính thức thành lập theo Quyết định số 78/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một tổ chức về quản lý và tổ chức thực thi pháp luật trên lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan tại Hội nghị Tham tán thương mại (tháng 9/2001) |
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan với lực lượng Quản lý thị trường- Ảnh: Tư liệu báo Công Thương |
Cũng trong thời gian ông Vũ Khoan giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng hai con số. Không những thế, công tác mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, đặc biệt là đối với những thị trường có nhiều tiềm năng, tạo động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu được đặc biệt quan tâm và có nhiều thành công ngoạn mục
Là người có tinh thần tự học rất cao, ông Vũ Khoan đọc rất nhiều sách. Và điểm đặc biệt ở ông là những suy ngẫm, những tỉa rút thẩm thấu trong quá trình đọc đó được ông rất quan tâm chia sẻ với đông đảo mọi người, thông qua những bài viết trên báo chí hoặc trao đổi với mọi người tại các diễn đàn, hội thảo mà ông có dịp tham dự.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông cũng dành những tình cảm thân tình cùng những trang viết trên báo của Bộ - Báo Thương Mại (nay là Vuasanca ). Là thủ trưởng cấp trên nhưng ông vẫn tự nhận là một bạn đọc trung thành và một đồng sự.
Trong một bài viết cho báo Báo Thương Mại dịp kỷ niệm 50 năm báo xuất bản số đầu tiên ông viết: “Nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Thương mại đầu năm 2000, thì giữa năm Báo Thương Mại tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên. Ngay lúc đó tôi đã giãi bày tâm sự rằng, tôi vốn là bạn đọc lâu năm của Báo Thương Mại, từ khi còn công tác ở ngành ngoại giao; ở Báo Thương Mại tôi đã tìm được nhiều thông tin bổ ích liên quan đến kinh tế - thương mại, về thị trường trong nước và nước ngoài; một điều lý thú là Báo Thương Mại không bị “thương mại hoá" nhưng cách viết, cách trình bày lại khá hấp dẫn.. Tôi đã chia sẻ niềm ao ước và cả niềm tin rằng, Báo Thương Mại sẽ xứng đáng là tờ báo kinh tế đầu tiên của nước nhà”.
Đầu năm 2001, sau Hội báo Xuân Tân Tỵ ít ngày. Văn phòng Bộ có chuyển cho ông văn bản của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhà báo Việt Nam thông báo kết quả Hội thi báo Xuân: Báo Thương Mại đứng trong danh sách đạt giải A. Là người đứng đầu cơ quan chủ quản, ông thấy rất vui và đã chúc mừng Tổng biên tập và các cán bộ, phóng viên Toà soạn.
Có lẽ từ “cái duyên" đó, mấy năm tiếp theo, nhiều lần ông đã dành thời gian viết bài và gửi đăng trên Thương Mại. Báo Thương Mại đã giúp Bộ trưởng Vũ Khoan như ông nói, đề cập các vấn đề đặt ra trong quan hệ thương mại quốc tế; những chính sách, định hướng của Đảng, Nhà nước đối với hàng loạt vấn đề mới nảy sinh khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới...
Vẫn với tình cảm thân tình, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan trăn trở khi Báo Thương Mại như lời viết của ông, “hơi thiêu thiếu một cái gì đấy cho khớp với công cuộc kinh doanh trên thương trường trong nước và quốc tế. Mảng bài tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước còn thiên về giải thích, ít đề xuất, sáng tạo”.
Ít người để ý rằng, ông Vũ Khoan tuy không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng ông đã hai năm liên tiếp được trao giải Báo chí quốc gia ở thể tài xã luận, bình luận, chuyên luận với loạt bài “Đổi mới để phát triển- Đường chúng ta đi” (năm 2010) và tác phẩm “Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh” (năm 2011). Khái niệm “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” sau đó đã trở thành khái niệm được báo chí Việt Nam ưa dùng. Theo ông “trái tim nóng” là yêu cái dân ưa, ghét cái dân kỵ. Nhà báo cần có "trái tim nóng" nhưng cũng cần “cái đầu lạnh” để viết ra được cái có lợi cho dân, cho nước, không viết những cái không có lợi cho nước, cho dân.
Thực là thấm thía!
Giờ đây cố Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đã rời xa cõi tạm. Những người của Vuasanca hôm nay vẫn khắc ghi lời viết của ông như là cách để xứng với niềm tin của ông: “Điều quan trọng nhất của Toà soạn là phải tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức tờ báo để có thể trong hoàn cảnh cạnh tranh và bùng nổ thông tin, Báo Thương Mại vẫn phát huy được truyền thống của mình, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, nhất là sắp tới đất nước ta sẽ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, góp phần giữ vững được định hướng phát triển, bản sắc dân tộc, đúng với tinh thần của các Nghị quyết của Đảng. Đó là nhiệm vụ lớn nhất và vinh quang nhất của báo chí cách mạng nói chung và Báo Thương Mại nói riêng”.