|
Chợ Long Biên nhộn nhịp về đêm và rạng sáng |
Gần 9 giờ tối, tôi có mặt tại chợ đầu mối Long Biên, không khí ở đây đã rất nhộn nhịp. Những chiếc xe tải chợ hàng hóa ra, vào nối đuôi nhau, những tiểu thương đến lấy hàng và những cửu vạn tấp lập vận chuyển hàng qua lại.
Thông thường công việc khuân vác nặng nhọc chủ yếu là của đàn ông nhưng ở đây số lượng lao động nữ hành nghề cửu vạn lại chiếm đa số. Họ đến từ nhiều nơi như: Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… Cuộc sống khó khăn mỗi người một hoàn cảnh khiến những người phụ nữ này chấp nhận công việc vất vả để có thêm thu nhập cho gia đình.
|
Chiếc xe chất đầy hàng hóa được nữ cửu vạn khó nhọc kéo đi |
|
Ngoẹo cổ vác những kiện hàng nặng |
Chị Phạm Thị Hòa, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là người có thâm niên làm cửu vạn được 28 năm chia sẻ: Một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu tại chợ Long Biên từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Hết giờ làm việc, tranh thủ về chợp mắt trong căn nhà trọ với giá 20 nghìn một người/ngày (khoảng 5-6 chị em chung 1 phòng).
Ngủ được vài tiếng, những chị có sức khỏe 9 giờ sáng lại ra chợ Đồng Xuân làm đến 12 giờ, chiều từ 3 giờ đến 6 giờ. Thế nhưng thu nhập cũng không được nhiều. Tháng nào nhiều việc thì khoảng 6-7 triệu, còn tháng nào ít việc chỉ khoảng 3-4 triệu. Chi phí, sinh hoạt mất 2 triệu/tháng còn bao nhiêu thì gửi về cho gia đình, con cái ăn học.
|
Gánh hàng nặng trĩu oằn trên vai những người phụ nữ |
|
Kéo xe - công việc nặng nhọc tưởng như chỉ dành cho đàn ông... |
Nghề cửu vạn vốn là công việc nặng nhọc vất vả, đối với phụ nữ lại trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Chuyện trẹo cổ, tím người vì liên tục kéo xe, vác, dỡ hàng không phải là hiếm. Thời gian đầu các chị đi làm chưa quen, tay chân bị sứt sát, sưng phồng, vai đau nhức không ngủ được, nhưng sau một thời gian rồi cũng quen hơn. Tuy vất vả nhưng cũng có thêm thu nhập. Chứ ở quê cũng chẳng có việc gì làm, trông vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn và không có tiền cho con đi học - chị Hà ở Hưng Yên tâm sự.
|
Ngày nào họ cũng làm việc bên những thùng hàng cao quá đầu |
|
Nghề cửu vạn hầu như không có ngày nghỉ |
|
Vội vã đẩy những chuyến xe hàng để mong kiếm thêm thu nhập |
5 giờ sáng, các chị tất bật gánh, kéo những chuyến hàng cuối cùng trong chợ ra đến điểm tập kết. Những thùng hoa quả hàng chục cân đè nặng lên vai. Họ còng lưng kéo xe chở hàng, những bước chân vội vã. Thế nhưng giá cho những kiện hàng oằn lưng ấy cũng không đáng là bao, trung bình thùng hàng vận chuyển vài trăm mét được trả với giá 5 nghìn đồng và tùy theo kích thước lớn có thể được trả 10 nghìn đồng. Vất vả là vậy, nhưng đêm nào họ cũng cố tìm thật nhiều nguồn hàng để tăng thêm thu nhập. Trung bình 1 đêm nếu đều việc, một nữ cửu vạn ở chợ Long Biên có thể kiếm 200-250 nghìn đồng.
|
Ban ngày cũng có thời gian nghỉ ngơi chờ việc |
|
Nụ cười lạc quan với bao hàng nặng và to gấp mấy người mình |
|
Thùng hàng được trả 10 ngàn đồng tiền vận chuyển |
Kết thúc 1 đêm lao động vất vả, gương mặt các chị tỏ rõ sự mệt mỏi vì thiếu ngủ. Chứng kiến 1 đêm cùng công việc các chị làm, tôi vô cùng cảm phục những chị em nữ cửu vạn đã vất vả vật lộn mưu sinh, đôi lúc chịu nhiều đắng cay và nước mắt. Thành quả họ có được nhờ sự lao động chân chính và giúp gia đình thoát nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.
|
Những bước chân vội vàng |
|
Tuy vất vả nhưng các chị vẫn cố tìm thêm nguồn hàng để có thêm thu nhập |
Chỉ còn 1 ngày nữa là 8/3, bước đến bên các chị tôi mạnh dạn hỏi: Mai là ngày Quốc tế phụ nữ các chị có định “thưởng” cho mình một này nghỉ không? Chị Hòa cười trả lời: Với các chị ngày 8/3 cũng bình thường như những ngày khác trong năm. Nhưng các chị cũng đã “bàn bạc” mai nghỉ sớm, mua chút gì tươi tươi mấy chị em trong phòng tổ chức liên hoan. Một mong muốn đơn sơ, giản dị của những nữ cửu vạn chợ Long Biên, Đồng Xuân Hà Nội.