Nhóm nước Brics cam kết tái lập lại động lực tăng trưởng kinh tế thế giới
Ảnh nguồn Internet |
Tiềm năng và sức mạnh của nhóm nước Brics về tài nguyên, dự trữ ngoại hối, thị trường và lực lượng lao động vẫn tiếp tục không thay đổi và sự tăng trưởng trong dài hạn của nhóm vẫn khá tích cực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong phiên họp trước lúc bế mạc ngày hôm qua.
Chiếm khoảng 43% tổng dân số thế giới; 30% tổng GDP toàn cầu và 17% tổng buôn bán thế giới, Brics đã khẳng định trong cuộc họp tổ chức tại bang Goa (phía Tây Ấn Độ) rằng chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để quay lại là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Để làm được việc này, Tổng thống Nga Putin thẳng thắn đề nghị một sự hợp tác công nghiệp hiệu quả hơn nữa giữa các quốc gia thành viên, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn trong vấn đề làm hài hòa các quy trình và thủ tục hải quan, cứng rắn và kiên định hơn trong chính sách chống độc quyền nhằm làm cho vai trò quốc tế của Brics tiếp tục được nâng cao và mở rộng.
Brics cần phải đồng lòng thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV với Internet và các công nghệ mới như một điểm nhấn trọng tâm, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nêu bật và nhấn mạnh yếu tố dân số là một lợi thế của Brics cần phải được tận dụng tối đa để tạo ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển. Đại diện của nước chủ nhà, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề nghị tiếp tục tiến trình xây dựng thể chế của Brics, tăng cường trao đổi thương mại hơn nữa giữa các quốc gia thành viên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tạo ra các ảnh hưởng lớn hơn trong các quyết định mang tính toàn cầu. Năm 2015, buôn bán trong nội khối Brics đạt 250 tỷ USD. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu đến năm 2020, thương mại nội khối phải tăng gấp đôi so với mức của năm ngoái.
Còn Tổng thống Brazil Michel Temer lại mong muốn Brics phải trở thành chất xúc tác giúp đẩy nhanh buôn bán trong nội khối, ông đặc biệt hoan nghênh và chào đón các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực giúp cải thiện cơ cấu kinh tế của Brazil, đặc biệt là trong các ngành cần củng cố năng lực cạnh tranh của chúng tôi cũng như vì sự hiện diện và kết nối toàn cầu của Brics.
Các nhà lãnh đạo Brics nhấn mạnh rằng, sau sự thiếu tăng trưởng, hiện còn nhiều rủi ro đối với kinh tế toàn cầu như các cuộc xung đột khu vực, chủ nghĩa khủng bố, dòng người tị nạn, tình hình ở Vương quốc Anh còn nhiều nghi ngại sau khi quốc gia này quyết định rời bỏ EU. Ngoài ra họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác trong nội khối trên cơ sở vì lợi ích chung và sự cần thiết phải đặt ra các bước đi cụ thể để các nước đang phát triển ngày càng có tiếng nói và tính đại diện cao hơn trong các tổ chức đa phương.
Trong lộ trình đó, Brics đề nghị cộng đồng châu Âu thực hiện cam kết nhường 2 ghế trong ban điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Việc cải cách định chế tài chính này cần phải tăng đại diện và tiếng nói kể cả cho các thành viên nghèo nhất của tiểu vùng sa mạc Sahara. Tuyên bố chung nêu rõ, ngoài ra Brics cũng đưa ra đề nghị cần phải minh bạch hơn và không phân biệt đối xử trong hoạt động của WTO. Tuy nhiên Brics cũng đã thể hiện sự ủng hộ tích cực của nhóm đối với hệ thống thương mại đa phương này bên cạnh các cơ chế khu vực khác.