Hút thuốc lá và thuốc lá điện tử - tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ ở người trẻ |
Các loại đột quỵ có thể xảy ra
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội – cho biết: Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nắm rõ nguyên nhân đột quỵ và cách phòng ngừa sẽ giúp giảm tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người bệnh.
Bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi tại Trung tâm đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 |
Có thể phân loại đột quỵ thành các nhóm: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, việc thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ xảy ra do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Theo thống kê, hiện nay có đến khoảng 85% các ca bệnh đột quỵ thuộc nhóm này.
Đột quỵ do huyết khối là do huyết khối các mảng xơ vữa bên trong thành mạch có thể tiến triển gây hẹp dần lòng mạch. Các tổn thương này có thể dẫn đến sự kết tập bất thường của tiểu cầu tại vị trí hẹp, làm lòng mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn. Hậu quả là một phần não bị thiếu máu nuôi, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu tại chỗ.
Đột quỵ do thuyên tắc, có nghĩa là động mạch bị tắc nghẽn do huyết khối từ nơi khác đến gây lấp mạch. Huyết khối này có thể được hình thành từ tim hoặc do mảng xơ vữa động mạch bong tróc ra.
Đột quỵ do xuất huyết não: Tình trạng xuất huyết (chảy máu) não, là do vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Có khoảng 15% các trường hợp bệnh đột quỵ hiện nay là do xuất huyết não.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ
Tiền sử đột quỵ: Kể cả đột quỵ thoáng qua hay đột quỵ thực sự, bệnh nhân có nguy cơ tái phát rất cao, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Sau 5 năm bị đột quỵ, nguy cơ này sẽ giảm dần.
Đái tháo đường: Biến chứng đái tháo đường là tổn thương mạch máu làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Cao huyết áp: Làm tăng áp lực lên thành động mạch, khiến thành động mạch yếu đi, dễ tổn thương dẫn tới đột quỵ xuất huyết não. Đồng thời bệnh cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, yếu tố nguy hiểm gây đột quỵ.
Mỡ máu cao: Do cholesterol tích tụ thành động mạch, cản trở lưu thông máu và có thể vỡ ra làm tụ thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
Hút thuốc: Làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 2 lần do hóa chất trong khói thuốc làm tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ xơ cứng động mạch, làm tổn thương tim và phổi.
Thừa cân, béo phì: Dễ mắc các bệnh cao huyết áp, tim mạch, mỡ máu dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao.
Lối sống không lành mạnh như ăn uống không lành mạnh, thiếu cân bằng, ít vận động cũng là một trong các yếu tố tác động gây biến chứng đột quỵ não.
Dấu hiệu đột quỵ
Nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ “FAST” để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ. “FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là chữ viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
Khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhìn thấy là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể rõ hơn.
Tay: Tay bị liệt, cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn có một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép.
Lời nói: Rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hay nói đớ.
Thời gian: Đưa bệnh nhân bệnh viện khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu vừa kể.
Ngoài ra có những triệu chứng ở người bị đột quỵ có thể kể đến như: Lẫn lộn, sảng, hôn mê; thị lực giảm sút, hoa mắt; chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững; đau đầu; buồn nôn, nôn ói….
Cách phòng ngừa đột quỵ
Những thói quen, việc làm đơn giản sau có thể giúp bạn phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, nhất là các đối tượng nguy cơ cao.
Chế độ ăn uống khoa học cũng hạn chế nguy cơ mắc đột quỵ |
Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/lần tập và duy trì 3-4 lần/tuần để tăng cường sức khỏe bản thân.
Không thức khuya, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và chú ý đến chất lượng giấc ngủ.
Không sử dụng các chất kích thích.
Không tắm đêm, vì đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ, đặc biệt là lượng cholesterol và huyết áp, tim mạch, tiểu đường…
Chế độ ăn uống khoa học cũng hạn chế nguy cơ mắc đột quỵ. Theo đó, cần hạn chế muối và thực phẩm có độ mặn cao; tăng cường ăn trái cây, đặc biệt là trái cây rau xanh giàu Kali như: chuối, khoai tây, khoai lang, các loại đậu, cà chua…; tăng cường sản phẩm làm từ sữa ít béo, giảm mỡ bão hòa; bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá thu, hạt óc chó…; ăn nhiều chất xơ trong trái cây, rau xanh, ngũ cốc; kiểm soát khẩu phần ăn, không ăn quá no dẫn đến lượng calo nạp vào tăng, hàm lượng chất béo hấp thụ cao, tăng nguy cơ béo phì.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bị đột quỵ. Đáng lo ngại, nguy cơ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh thậm chí xuất hiện ở cả những người ở độ tuổi 20, 30. |