Những cổ phiếu “chết” thanh khoản trên sàn
Không chỉ trên UPCoM, nhiều cổ phiếu niêm yết trên hai sàn chính thức cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều nhà đầu tư khi nhắc đến mã chứng khoán KST sẽ khó hình dung cổ phiếu này thuộc công ty nào, vì cái tên CTCP Kasati hầu như không xuất hiện trên báo chí hay phương tiện truyền thông đại chúng. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân cổ phiếu này hầu như không có giao dịch kể từ tháng 5/2014 đến nay. Chia cổ tức ở mức tương đối cao, đặc biệt nếu so với thị giá chỉ 4.300 đồng, thì lợi tức đầu tư vào KST có thể dao động từ 20-30%/năm, nhưng cổ phiếu này vẫn rơi vào tình trạng lãng quên.
Làm sao để cổ phiếu không bị lãng quên?
Điểm qua khoảng 20 mã chứng khoán không có thanh khoản, đáp án chung là: thông tin về các doanh nghiệp rất mờ nhạt. Tên mã cổ phiếu, tên DN phát hành gần như chỉ xuất hiện trên website của chính doanh nghiệp, hoặc các trang tổng hợp dữ liệu về TTCK. Báo chí gần như không một lần nhắc tới.
Cũng có trường hợp DN có tình hình kinh doanh khá tốt, cổ tức cao, nhưng thanh khoản vẫn gần như “chết” lâm sàng. Chẳng hạn, CTCP Phân lân Ninh Bình, dù có mức chia cổ tức khá cao trong các năm qua, vốn điều lệ 157,3 tỷ đồng, giá chỉ 17.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thanh khoản trung bình mã NFC trong 1 năm gần nhất chỉ đạt 196 cổ phiếu/phiên. Công cụ tìm kiếm của Google cho thấy, cụm từ “CTCP Phân lân Ninh Bình” chỉ được nhắc đến trên website công ty, website của Sở GDCK Hà Nội hay các trang dữ liệu thị trường, các trang về dữ liệu doanh nghiệp nói chung. Thông tin trên báo lĩnh vực tài chính, chứng khoán, hay trên diễn đàn gần như bằng 0.
Tình trạng này đối ngược hoàn toàn với các mã có thanh khoản bình quân trên 1 triệu cổ phiếu/phiên. Từ khóa về tên các công ty này, các mã chứng khoán… có mức lặp lại theo thống kê tìm kiếm của Google lên tới hàng triệu lượt, trong đó nổi nhất là những cái tên như FLC, HAG, Vingroup, CII …
Báo Đầu tư Chứng khoán đã làm một cuộc khảo sát với gần 200 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức ngẫu nhiên trên thị trường với cùng một câu hỏi: Điều gì khiến các nhà đầu tư để ý đến một mã chứng khoán hoặc doanh nghiệp niêm yết? Câu trả lời tập trung chủ yếu vào 3 nhóm thông tin: doanh nghiệp có thông tin xuất hiện thường xuyên trên báo chí, diễn đàn; doanh nghiệp được khuyến nghị, đưa báo cáo phân tích bởi môi giới; doanh nghiệp có thanh khoản tăng đột biến (cho những ai ưa đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật).
Có thanh khoản thì thị trường sẽ chú ý và từ đó thanh khoản có cơ hội được tăng lên. Khi có thanh khoản, uy tín, thương hiệu của DN mới mong được lan tỏa, được thị trường biết đến. Cổ đông cũng sẽ chẳng được hưởng lợi gì nếu DN cứ tiếp tục để xảy ra tình trạng cổ phiếu “chết” trên sàn.
Tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, câu hỏi về việc xây dựng kế hoạch truyền thông như thế nào để nhà đầu tư biết đến, để tăng thanh khoản, giá cổ phiếu được định giá đúng hơn… xuất hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, dường như còn hàng trăm DN chưa biết cách làm tốt nghĩa vụ này với chính mình, với cổ đông.