Lâu nay, núp dưới danh nghĩa “góp ý” để “chấn hưng”, “xây dựng” quê hương, đất nước, một số đối tượng phản động, thù địch, cơ hội chính trị đã có những lời nói, việc làm với mục đích chống phá đường lối, chính sách của Đảng ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc, xấu xa.
Phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tự động hoá đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. (ảnh: Cấn Dũng) |
Những “đánh giá”, “lời khuyên” vô lý của Trương Quốc Huy thật sự là sai lầm, xuyên tạc, vu khống…với mục đích xấu, chống phá, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng và thực tiễn nền kinh tế nước ta.Nổi lên là Trương Quốc Huy, thành viên của tổ chức khủng bố phản động Việt Tân đang sống ở Hoa Kỳ. Hãy nghe những “đánh giá” và “góp ý” của Trương Quốc Huy khi bàn về kinh tế và kinh tế công nghiệp của Việt Nam. Vừa qua, trên N10 Tv, Trương Quốc Huy cho rằng: “Cái đám Việt cộng học chủ nghĩa xã hội có biết con mẹ gì về kinh tế đâu” và “Đất nước ta cơ bản là nước công nghiệp tức là làm công và thất nghiệp”. Y định nghĩa ở Việt Nam “Công nghiệp là thất nghiệp đi làm công” và khuyên chúng ta “Đừng có công nghiệp cái mẹ gì hết trơn đó”…
Thực tế đã khẳng định năng lực lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, hiệu quả của Đảng, vai trò to lớn của nền kinh tế công nghiệp cũng như mối quan hệ hữu cơ của kinh tế công nghiệp với các ngành kinh tế khác ở Việt Nam.
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của công nghiêp nặng: “Để xây dựng thắng lợi xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng”. Người chỉ ra tính tất yếu: “Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”, “phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu… Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”. Đồng thời, Hồ Chủ tịch cũng xác định mối quan hệ hữu cơ giữa công nghiệp với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp. Người ví: “Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân con người, hai chân có mạnh thì đi mới vững chắc”. Người cũng chỉ rõ cần có sự cân đối trong phát triển: “Giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục…với nhau và trong mỗi ngành phải phát triển cân đối”.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thực hiện đúng đắn, sáng tạo tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đem lại những thắng lợi to lớn cho đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá về thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII như sau: “Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung thực hiện và bước đầu đạt được kết quả quan trọng.
Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhanh; công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của sản phẩm. Các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng; du lịch, dịch vụ phát triển nhanh. Nông nghiệp có bước phát triển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế”…
Đồng thời, Nghị quyết của Đại hội XIII cũng xác định Phương hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam những năm tới, trong đó nêu cụ thể về kinh tế công nghiệp: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại”…
Nghị quyết Đại hội còn chỉ rõ các mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng như hướng tới các dấu mốc quan trọng của đất nước, như:
“- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để thực hiện những mục tiêu trên, chúng ta cũng đã đề ra 12 định hướng chiến lược cụ thể, khả thi để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triể khai thực hiện thắng lợi trong cuộc sống.
Những vấn đề trên xuất phát từ lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với tình hình Việt Nam và chứng minh trên thực tế; được nhân dân trong nước và quốc tế thừa nhận trên cơ sở những thành tựu kinh tế to lớn mà đất nước đã đạt được. Đây là kết quả của ý Đảng, lòng dân đã và đang giúp phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, những “đánh giá”, “lời khuyên “không cần công nghiệp” hết sức sai lầm, với mục đích thâm độc, xấu xa nhằm chống phá Việt Nam, như kiểu của phản động Việt Tân Trương Quốc Huy trên đây là không thể chấp nhận được. Do đó chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác, kiên quyết, kiên trì phòng, chống có hiệu quả những “đánh giá”, “lời khuyên” sai trái ấy và tiếp tục tin tưởng, vững bước đi theo con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa: con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.