Ninh Bình: Cần chiến lược đầu tư quy mô vào hoạt động du lịch
Đầu tư phát triển du lịch hồ ven núi.
- Trước năm 1992, du lịch Ninh Bình chỉ được xem là hoạt động công cộng phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, chưa trở thành một ngành kinh tế. Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, giải trí, lữ hành… Trong đó, nổi bật nhất là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - tâm linh. Loại hình du lịch này đã không ngừng được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình- Nguyễn Ngọc Luyên - cho biết, lượng du khách đến Ninh Bình tăng khá nhanh: Năm 2010, đón hơn 3,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 550 tỷ đồng; năm 2011, đón hơn 3,6 triệu khách, tăng gấp 46 lần so với năm 1992 (năm đầu tiên tái thành lập tỉnh), tổng doanh thu du lịch đạt 655 tỷ đồng, tăng gấp 415 lần so với năm 1992. Đối tượng khách chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, Australia, New Zealand, Đông Bắc Á, Pháp và Tây Âu. 5 tháng đầu năm 2012, lượng khách đến tham quan đạt gần 2,8 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại, tăng về số lượng và nâng cao chất lượng. Nếu như 20 năm trước, số cơ sở để khách lưu trú rất hạn chế, cả tỉnh chỉ có 2 cơ sở lưu trú, với 58 buồng ngủ, đến nay, đã có 224 cơ sở lưu trú, với 3.564 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 31 khách sạn từ 1-2 sao và 4 khách sạn dự kiến đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao đang hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Hệ thống nhà hàng phát triển mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách. Hiện toàn tỉnh có khoảng 800 nhà hàng, với nhiều món ăn mang hương vị đặc trưng riêng như: Tái dê, cơm cháy, miến lươn, nem chua Yên Mạc, rượu Lai Thành, mắm tép Gia Viễn…
Để du lịch phát triển bền vững, xứng tầm với du lịch trong nước và quốc tế, trong định hướng phát triển du lịch của Ninh Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Ninh Bình tập trung hoàn thành, nâng cấp các khu du lịch trọng điểm như: Khu danh thắng Tràng An, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, khu Kênh Gà - Vân Trình, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở lưu trú đạt chất lượng từ 3-5 sao; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng cơ chế quản lý và mô hình quản lý các khu du lịch lớn: Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, danh thắng Tràng An…; tập trung khai thác 2 loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - tâm linh; tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh (du lịch cuối tuần, nghỉ dưỡng và du lịch hồ ven núi)…
Trong những năm gần đây, Ninh Bình ngày càng thu hút nhiều khách đến tham quan, chiêm bái. Tuy nhiên, khách du lịch chủ yếu là giới bình dân và số ngày lưu trú vẫn còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Luyên, tỉnh cần có chiến lược đầu tư quy mô, bài bản. Đồng thời, tiếp tục có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại hơn; chú trọng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hoạt động quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang đặc thù địa phương kết hợp với giữ gìn an ninh trật tự tại các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa.
Phạm Tiệp