Một trong những kiến nghị được nhiều doanh nghiệp đưa ra nhất tại Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay (8/2) là giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, quy định hiện nay, hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản 200%. Tuy nhiên, với các dự án đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ không có nhiều rủi ro. Áp dụng hệ số rủi ro cao ảnh hưởng tới lãi vay của doanh nghiệp. Ngoài ra, room cho vay hạn chế cũng đẩy lãi suất vay lên cao.
Ông Hoa kiến nghị ngành Ngân hàng cần có giải pháp giảm dần lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và khách hàng.
Đồng quan điểm, ông đại diện của Hưng Thịnh Land cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay, bởi mặt bằng lãi vay đối với lĩnh vực bất động sản rất cao, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, “Ngay trước cuộc họp này, tôi cùng tổng giám đốc các ngân hàng đã thống nhất với nhau là sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Trong thời gian tới, sẽ giảm các lãi suất cho vay trong đó có cả lãi suất cho vay bất động sản. Hỗ trợ cho thị trường được thì cũng chính là hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại”.
Ông Tùng cũng khẳng định, thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước không bao giờ nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp.
Năm 2022, cho vay bất động sản của Vietcombank chiếm 20% tổng dư nợ, mức tăng trưởng 17,5%. Hầu hết các dự án tốt và cá nhân mua nhà để sử dụng đúng mục đích đều được Vietcombank đáp ứng.
“Tổng dư nợ chiếm đến 20% chứng tỏ các doanh nghiệp bất động sản cũng đang đóng góp vào sự phát triển của Vietcombank cũng như lợi ích của các ngân hàng”, ông Tùng cho biết.
Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay |
Tuy vậy, Vietcombank cũng phân loại rất rõ đối tượng khi cho vay bất động sản. Hiện dư nợ cho vay bất động sản tại Vietcombank có tới 90% dành cho cá nhân, doanh nghiệp chỉ chiếm 10%, trong đó tập trung các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Đối với bất động sản nhà ở, trong năm 2023 chúng tôi cũng chia ra làm hai đối tượng. Đối với những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, chúng tôi áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao", ông Tùng cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, Vietcombank cũng gặp không ít khó khăn liên quan vấn đề pháp lý. Có trường hợp cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà cả ngân hàng thương mại.
Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ, nên ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân.
Đại diện Techcombank cũng cho hay, bất động sản là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển mảng bán lẻ của Techcombank. Để kiểm soát dòng tiền, Techcombank đã đi cùng tài trợ, hỗ trợ cho một số chủ đầu tư lớn và uy tín trên thị trường, được người dân quan tâm.
Dư nợ tín dụng bất động sản tại Techcombank cũng tập trung vào khách hàng cá nhân. Với doanh nghiệp và chủ đầu tư, năm 2022, chủ trương của Techcombank là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ cho những dự án có sản phẩm tốt, để triển khai và giao nhà cho người mua nhà. Nên dư nợ 2022 giảm khoảng 10% so với 2021.
“Khẩu vị của Techcombank trong 2022 đảm bảo chặt chẽ, nên xem xét thận trọng, tài trợ cho các dự án có pháp lý đầy đủ, cho khách hàng quan tâm nên số lượng dự án và đầu tư giảm xuống”, đại diện ngân hàng này cho biết.
Ngoài ra, cũng theo đại diện Techcombank, việc cung ứng vốn của ngân hàng tùy thuộc vào tình hình huy động vốn, thu xếp vốn của ngân hàng và lãi suất. Năm 2022, lãi suất tăng cao, người mua nhà thận trọng hơn, tốc độ bán hàng của chủ đầu tư chậm lại, chỉ bán được bằng 50% năm trước. Trong khi đó, 33% dư nợ đến hạn của khách hàng cá nhân trả trước hạn, khả năng phát hành trái phiếu chậm lại ngân hàng gặp nhiều áp lực và phải tập trung vốn cho nhu cầu ngắn hạn.
Trước đó, tháng 12/2022, dưới sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, hàng loạt nhà băng đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể. Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% - 9,5% đối với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi - vẫn ở mức trung bình khoảng 12% - 16%/năm. Được biết, dự kiến từ tuần sau (13/2), lãi suất huy động tối đa sẽ được các ngân hàng giảm về 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay. |