Ô nhiễm môi trường làng nghề ở TP.Hà Nội: “Loay hoay” khắc phục
Báo động ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội |
Trăm kiểu ô nhiễm
Những năm gần đây, khu vực làng nghề của TP. Hà Nội gia tăng nhanh chóng về số lượng. Riêng giai đoạn 2010- 2015, Hà Nội đã có thêm 70 làng nghề. Sự phát triển nhanh của các làng nghề đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội chung của thủ đô. Tuy nhiên, ngược với sự tăng trưởng về số lượng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn chưa cải thiện.
Theo quan sát thực tế, hàng loạt các con sông chảy qua làng lụa Vạn Phúc, xã nghề dệt Dương Nội (Hà Đông) như sông Nhuệ, sông Đáy đã trở thành sông chết. Nước thải có chứa hóa chất như sút, jave… trong các công đoạn dệt, nhuộm, in hoa không được xử lý, đã xả thải trực tiếp ra hệ thống cống, sông, ngòi. Sau nhiều năm tích tụ và không được xử lý triệt để khiến nước đổi màu, bốc mùi.
Tại làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thanh Oai) không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm mà không khí của làng nghề cũng bị ô nhiễm. Là làng nghề chuyên chế tác sừng, xương mỹ nghệ, người dân thu mua da, sừng, xương, móng trâu, bò khắp mọi nơi, thậm chí nhập khẩu từ châu Phi về chế biến. Da trâu, da bò sau khi thu gom về được ướp, ủ sơ chế, sau đó lại được xuất đi. Quá trình ủ da trâu, bò diễn ra trong nhiều ngày khiến không khí xung quanh đặc mùi nồng nặc.
Hay như làng nghề sản xuất chăn, ga gối Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín), vải vụn, vải thải chất thành núi, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, làng nghề cũng không coi trọng vấn đề phòng cháy, chữa cháy.
Loay hoay khắc phục
Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Sở Công Thương thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ: Các làng nghề càng phát triển thì tình trạng ô nhiễm càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và đời sống của cư dân làng nghề. Hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom xử lý chất thải rắn mà thải thẳng ra môi trường.
Kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại các làng nghề cũng cho thấy, 100% số làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có chỉ tiêu quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 9.200 lần so với quy chuẩn cho phép. Môi trường không khí bị ô nhiễm cục bộ tại các làng nghề sắt thép và gốm sứ… Ô nhiễm tiếng ồn tại các làng nghề cơ khí, dệt may…
Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được bao nhiêu. Chẳng hạn như, xã Tiền Phong (huyện Trát Cầu) hiện đã xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, tuy nhiên Trát Cầu vẫn “chật cứng”, tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nguy cơ cháy nổ vẫn không giảm được bao nhiêu. Hay tại làng nghề Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) quy hoạch về điểm công nghiệp làng nghề đã được xây dựng từ năm 2003 và đã được phê duyệt nhưng cho đến nay vẫn chưa cơ sở nào được chuyển ra khỏi làng nghề. Người dân tiếp tục sống chung với tiếng ồn, khói than. Đây tiếp tục là vấn đề gây khó cho các cơ quan chức năng của thành phố.
TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Giai đoạn 2010- 2015, thành phố triển khai đầu tư một số dự án xử lý nước thải tại các làng nghề thuộc huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai; thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai; đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung tại 16 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2014-2015… |