Ông Zelensky gọi đề xuất hòa bình của Nga là “tối hậu thư”
“Những tuyên bố mới của Nga là tối hậu thư. Chúng không chứa đựng gì khác ngoài những tối hậu thư đã tồn tại trước đó”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Italia Sky TG24 khi đáp lại yêu cầu bình luận về đề xuất mới của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo ông Zelensky, chấp nhận sáng kiến của Nga đồng nghĩa với việc nhượng bộ lãnh thổ. “Đề xuất này có nghĩa là đóng băng xung đột, nhưng sẽ không có xung đột đóng băng”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Putin cho biết, nước này sẽ ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột nếu Ukraine rút hết quân khỏi các vùng mới của Nga.
Được biết, Nga phản đối việc Ukraine tuyên bố chủ quyền với 5 vùng, 4 trong số đó đã sáp nhập với Nga trong bối cảnh xung đột giữa hai nước xảy ra. Người dân ở Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia đã bỏ phiếu sáp nhập với Nga vào cuối năm 2022 song sự thù địch vẫn tiếp diễn ở một số mức độ nào đó ở mỗi khu vực.
"Toàn bộ lãnh thổ của những khu vực đó được xác định bằng biên giới hành chính vào thời điểm họ gia nhập Ukraine - tháng 8/1991”, ông Putin nhấn mạnh.
"Chúng tôi sẽ ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán ngay vào thời khắc Kiev tuyên bố sẵn sàng ra quyết định và bắt đầu rút quân thực sự khỏi các vùng đó, đồng thời chính thức thông báo cho chúng tôi rằng họ không còn kế hoạch gia nhập NATO nữa", Tổng thống Putin cam kết.
NATO chưa đồng ý tài trợ dài hạn cho Ukraine
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau cuộc họp giữa những người đứng đầu bộ quốc phòng của khối tại Brussels, các nước NATO vẫn chưa nhất trí về việc tài trợ dài hạn đối với các vật tư quân sự cho Ukraine và phân bổ gánh nặng một cách công bằng giữa các quốc gia liên minh.
“Vẫn chưa có thỏa thuận nào, nhưng tôi đang nỗ lực đạt được nó với sự hỗ trợ của nhiều nước thành viên”, ông Stoltenberg nói.
Theo ông Stoltenberg, động thái này sẽ đảm bảo tính minh bạch và khả năng trong vấn đề trang bị vũ khí cho Ukraine. Đồng thời, Tổng thư ký cũng tín hiệu tới Nga về ý chí lâu dài của NATO trong việc hỗ trợ Kiev.
Trước đó, Tổng thư ký NATO tuyên bố, quyết định tài trợ bắt buộc hỗ trợ cho Ukraine với số tiền khoảng 40 tỷ euro mỗi năm dự kiến sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào đầu tháng 7.
Về phía Nga, nước này cho rằng cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ cản trở việc giải quyết, cũng như trực tiếp lôi kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và đây là hành vi “đùa với lửa”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý, bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga. Theo ông, Mỹ và NATO trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, không chỉ bằng việc cung cấp vũ khí mà còn đào tạo nhân lực ở Anh, Đức, Italia và các nước khác. Điện Kremlin cho biết, việc cung cấp vũ khí từ phương Tây cho Ukraine không góp phần vào các cuộc đàm phán.