Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 6 nhóm nhiệm vụ phát triển với Petrolimex |
Bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho biết, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu một năm tại thị trường Việt Nam khoảng 20 - 21 triệu m³/tấn và thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 48%. Theo thống kê của Tập đoàn, hiện nay thị trường xăng dầu Việt Nam có trên 17.000 điểm bán xăng, trong đó Tập đoàn có 5.041 điểm bán xăng dầu, chiếm 30% và phủ rộng trên toàn quốc.
Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống tuyến ống vận chuyển xăng dầu duy nhất bảo đảm nguồn cho khu vực phía Bắc với tổng chiều dài trên 500 km từ Cảng dầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) về các địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam. Tập đoàn có 36 kho chứa xăng dầu và nằm tại các vị trí vùng kinh tế trọng điểm, ngoài ra, Tập đoàn có 8 điểm kho phối trộn nhiên liệu sinh học (xăng E5 RON 92) phân bổ đều trên toàn quốc và là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị dự trữ hàng quốc gia (P10) với tổng dự trữ là 251.000 m³ chiếm 12% tổng dung tích sức chứa.
Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm báo cáo tại buổi làm việc |
Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, do đó thu nhập của người lao động ổn định. Các đơn vị thành viên đã sắp xếp, tổ chức lực lượng lao động phù hợp để duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và đạt, vượt tiến độ kế hoạch. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Petrolimex đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn và đạt kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng hỗ trợ chi phí phòng dịch cho người lao động, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 4.000 người, ủng hộ trên 270 tỷ đồng đến Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ, các địa phương và bệnh viện.
Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Để nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, định hướng phát triển cho lĩnh vực xăng dầu, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, là tiền đề bảo đảm bình ổn thị trường trong mọi tình huống, các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn với Bộ Công Thương tại buổi làm việc tập trung vào công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thương hiệu, các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu phổ biến trên thị trường hiện nay; việc đáp ứng tiêu chuẩn khí mức thải mức 5 theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Chính phủ; các đề xuất liên quan đến hệ thống kho, cảng của Tập đoàn; góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh xăng dầu…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất Petrolimex cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực |
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất Petrolimex cần phát huy vai trò của tập đoàn trong hội nhập |
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề xuất Petrolimex cần phát huy một thương hiệu mạnh |
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến các đề xuất của Petrolimex |
Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi trực tiếp với Tập đoàn từng vấn đề cụ thể trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến tình hình gian lận trong kinh doanh xăng dầu, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, 2 năm trở lại đây, xăng dầu là mặt hàng gian lận thương mại rất nhiều và vi phạm trong xăng dầu hiện nay có tính tổ chức. Tổng cục QLTT và Petrolimex mới đây đã sơ kết quá trình hợp tác giữa hai cơ quan, theo đó, hai bên đã phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả.
Từ năm 2020, Tổng cục QLTT coi mặt hàng xăng dầu là trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát và nhận thấy địa bàn diễn ra các vụ việc sai phạm trải dài từ Bắc vào Nam, hầu như tỉnh nào cũng có, diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đó, hành vi phổ biến là vi phạm về điều kiện kinh doanh; các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chất lượng kém, không phù hợp quy chuẩn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông khẳng định, Petrolimex luôn là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xăng dầu; nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, thời gian qua, Petrolimex cũng luôn tích cực cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đồng hành, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước và các đơn vị liên quan góp ý xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực xăng dầu.
Đưa ra những định hướng giúp Petrolimex tiến xa hơn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, phát triển đội ngũ nhân lực, hệ thống phân phối là yếu tố tiên quyết. Có thể nói, Petrolimex đang sở hữu “thế hệ vàng” cả ở trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ công nhân viên. Petrolimex cần phát huy thế mạnh này để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị, Tập đoàn cần phát huy vai trò của một doanh nghiệp nhà nước, chú trọng phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, xây dựng các cửa hàng xăng dầu ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. “Đây là lợi thế chỉ mình Tập đoàn có được, trong khi những doanh nghiệp nhỏ lẻ khác không đủ tiềm lực cũng như thế mạnh để thực hiện nhiệm vụ này”- Thứ trưởng Đố Thắng Hải nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng trao đổi về định hướng phát triển Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để vừa bảo đảm các quy định theo cam kết quốc tế, vừa giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của một tập đoàn năng lượng quốc gia hàng đầu tại Việt Nam.
Đồng tình với những đánh giá về vị thế của Petrolimex trong sự phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Petrolimex là thương hiệu mạnh và “đi vào lòng người” từ rất lâu rồi, vì vậy, trong quá trình phát triển, Tập đoàn cần giữ gìn, phát huy truyền thống và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng… Đối với các cửa hàng nhượng quyền thương mại, Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý, Petrolimex cần kiểm tra, giám sát thường xuyên để bảo đảm chất lượng sản phẩm, không ảnh hưởng đến thương hiệu Petrolimex và niềm tin của người tiêu dùng.
6 nhóm nhiệm vụ giúp Petrolimex “tiến xa hơn”
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, dù là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng Tập đoàn luôn thể hiện vai trò tiên phong, tích cực trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong việc xây dựng cơ chế chính sách. Đáng chú ý, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Petrolimex cũng là doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, và là “cánh chim đầu đàn” trong việc cung cấp đủ, ổn định nguồn cung xăng dầu cho phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, hệ thống phân phối của Petrolimex đã mở rộng trên toàn quốc, với hơn 5.000 điểm kinh doanh xăng dầu, chiếm 30% và phủ rộng toàn quốc. Các điểm kinh doanh xăng dầu có hầu hết tại các địa bàn phức tạp, khó khăn. “Petrolimex đã tập trung phát triển các hệ thống phân phối, các cửa hàng xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây là tầm nhìn chiến lược và lâu dài”, Bộ trưởng khẳng định.
Định hướng nhiệm vụ của Petrolimex trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải xác định kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực, là nhiệm vụ chính, do vậy, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của các Bộ, ngành chức năng về thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; kiên quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng bền vững. “Đây là yêu cầu số một trong thời điểm hiện nay”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, từ dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng như trong nước, Tập đoàn cần rà soát để điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh, từ đó, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc biệt chú trọng những văn bản pháp luật đã có trong kế hoạch ban hành trong năm 2021. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu, nhất là tăng cường sự phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, của Bộ trong kinh doanh xăng dầu, trước hết là trong hoạt động của các đơn vị thành viên, của Tập đoàn. Duy trì các hoạt động, bổ sung các thiết bị cần thiết, bảo đảm an toàn trong phòng, chống cháy nổ, trong sản xuất kinh doanh, hạn chế những sự cố xảy ra.
Ngoài ra, Tập đoàn cần triển khai đột phá về nhận diện thương hiệu sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công nhân viên, nhất là cán bộ thành viên để làm sao đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn. Đồng thời, có giải pháp khuyến khích phát huy sáng tạo, sáng kiến của người lao động.
Thứ năm, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Trước hết, quan tâm chăm lo đến đời sống, việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời, đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động, nhất là đối với người lao động trực tiếp…