TP. Hồ Chí Minh: Giữ ổn định giá gạo trước biến động của thị trường Giá gạo tăng: Tận dụng cơ hội nhưng vẫn đảm bảo ổn định thị trường trong nước |
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, giá cả các loại hàng hóa nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu. Vì vậy, hiện nay các thị trường lớn về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ có những chủ trương lớn liên quan đến gạo như Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng lúa do hạn hán... đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây. Giá gạo xuất khẩu tăng vọt, đồng thời, đẩy giá gạo trong nước của nhiều quốc gia tăng cao.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, những ngày qua, giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động. Đặc biệt là ở các điểm bán hàng bình ổn giá.
Theo ghi nhận của phóng viên Vuasanca , tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... của Saigon Co.op, mặt hàng gạo chưa có biến động và giá cả lẫn lượng tiêu thụ. Đại diện Chuỗi Co.opmart khẳng định trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá. Hiện tại chuỗi siêu thị Co.opmart, giá gạo thơm thượng hạng Neptune vàng từ 204.000 đồng/4kg giảm còn 134.500 đồng; gạo Japonica Neptune từ 162.000/5kg giảm còn 134.500 đồng…
Gạo là mặt hàng được khuyến mãi lớn tại chuỗi siêu thị GO (Big C) toàn quốc |
Tại siêu thị GO! của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, gạo đang là mặt hàng nhận được khuyến mãi đặc biệt. Giá gạo thơm mang nhãn hàng riêng GO chỉ còn 155.000 đồng/5 kg. Khi mua 2 bịch 5 kg, giá chỉ còn 255.000 đồng, tương đương với việc người tiêu dùng tiết kiệm được 55.000 đồng cho 10 kg gạo.
Ở một số siêu thị khác như MM Mega Market, Emart… giá gạo cũng được giữ bình ổn. Có được điều này là do thời gian qua, các siêu thị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương trong việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Theo đó, để đảm bảo Chỉ số giá tiêu dùng CPI không tăng quá cao, liên tục trong các buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước hàng tháng, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm. Đồng thời nghiêm túc triển khai chương trình bình ổn giá chứ không đợi đến thời điểm cuối năm hay dịp Lễ tết.
Ngay trong những ngày cả thế giới sục sôi trước thông tin Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng vọt, Bộ Công Thương đã có văn bản số 5102/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.
Bộ Công Thương nêu rõ, trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thóc, gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp triển khai một số nội dung sau:
Chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Giá gạo được giữ ổn định tại các điểm bán hàng bình ổn giá |
Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị nêu rõ, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam…
Chuyên gia kinh tế - PGS. TS Ngô Trí Long nhận định, mặc dù giá gạo thế giới đang tăng mạnh, song giá gạo tiêu dùng trong nước về cơ bản hiện đang rất ổn định, thậm chí nhiều thời điểm có xu hướng giảm nhẹ… Điều này thể hiện sự điều hành đúng đắn của Bộ Công Thương trong việc có các chỉ đạo kịp thời để điều tiết hoạt động xuất khẩu hợp lý nhằm vừa hưởng lợi từ giá gạo tăng cao, vừa đảm bảo bình ổn giá ở thị trường trong nước. Đồng thời đề nghị các địa phương, doanh nghiệp kéo dài các chương trình bình ổn thị trường. Nếu như không có những văn bản chỉ đạo đúng hướng, nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu ngay vào lúc này thì sẽ sẽ làm cho nguồn thu mua tăng lên và giá gạo trong nước sẽ tăng theo, tác động lớn đến người tiêu dùng trong nước cũng như mức tăng Chỉ số CPI của cả năm.
“Có thể nói đây là dấu ấn đáng ghi nhận của Chính phủ nói chung và đặc biệt là Bộ Công Thương, đã nắm chắc diễn biến, cũng như dự báo đúng tình hình trong thời gian qua, nên đã có những khuyến nghị chính xác, giữ cho giá bán lẻ trong nước vẫn được bình ổn” – PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.