Hội thảo về hệ thống tạo lập thị trường chứng khoán phái sinh |
Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam dự kiến sẽ khai trương cuối năm 2016.
Trên thế giới, hoạt động tạo lập thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng từ lâu đã tồn tại “cơ chế tạo lập thị trường” và “cơ chế cung cấp thanh khoản”.
Đối với cơ chế tạo lập thị trường, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện nghĩa vụ chào giá liên tục hoặc chào giá khi có yêu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, chào giá liên tục là nhà tạo lập thị trường chào giá hai chiều (đặt lệnh mua và bán) hoặc một chiều (đặt lệnh mua hoặc bán) liên tục trong phiên giao dịch, tuân thủ các quy định về khoảng thời gian chào giá, khối lượng tối thiểu mỗi lệnh, thời gian tồn tại tối thiểu của lệnh, khối lượng tối thiểu thực hiện... Điều này giúp nhà đầu tư tham khảo và giao dịch liên tục, nhưng chỉ phù hợp với thị trường phát triển có nhà tạo lập chuyên nghiệp với nguồn lực tài chính lớn. Còn chào giá khi có yêu cầu là nhà tạo lập thị trường chào giá theo đúng quy định về thời gian yết giá, khối lượng tối thiểu, thời gian tối thiểu khi có yêu cầu từ nhà đầu tư. Hình thức này giảm áp lực cho các nhà tạo lập thị trường, nhưng mất thời gian đối với nhà đầu tư vì phải thực hiện lệnh yêu cầu tổ chức tạo lập thị trường thực hiện chào giá.
Thành viên tạo lập thị trường phái sinh thực hiện chức năng cung cấp thanh khoản cho thị trường và chào giá tham chiếu cho nhà đầu tư; được hưởng các ưu đãi giảm phí, được tài trợ và các quyền khác theo hợp đồng ký kết với HNX. |
Đối với cơ chế cung cấp thanh khoản, nhà tạo lập thị trường cần đạt nghĩa vụ khối lượng giao dịch hàng tháng, hàng quý, theo đăng ký tạo lập với sở giao dịch hoặc tổ chức phát hành. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý sở giao dịch đánh giá hoạt động của các tổ chức tạo lập thị trường, trên cơ sở đó thực hiện giảm phí giao dịch hoặc có các chế độ thưởng cho nhà tạo lập thị trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Anh Phong - Phó Tổng Giám đốc HNX cho biết, cơ chế tạo lập thị trường phái sinh sẽ được vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. HNX mong muốn cùng với các thành viên tạo lập thị trường phái sinh chuẩn bị kỹ càng các điều kiện cần thiết để vận hành thị trường có hiệu quả ngay từ đầu.
Dựa trên hành lang pháp lý về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh đã ban hành gồm Nghị định 42/2015/NĐ-CP, Thông tư 11/2016/TT-BTC, HNX đang xây dựng quy chế hoạt động tạo lập thị trường với các điều kiện về quyền lợi và nghĩa vụ, quy trình đăng ký, yết giá, đánh giá hoạt động tạo lập thị trường cũng như chấm dứt, tạm ngừng hoạt động tạo lập thị trường phái sinh của các thành viên... Theo đó, thành viên tạo lập thị trường phái sinh phải là các thành viên giao dịch/thành viên đặc biệt, thành viên bù trừ. Thành viên tạo lập thị trường phái sinh phải đáp ứng được các điều kiện về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, trong đó công ty chứng khoán phải có tối thiểu là 900 tỷ đồng, ngân hàng thương mại là 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, còn phải đáp ứng được các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, phần mềm giao dịch và quản lý hoạt động tạo lập thị trường, có hệ thống công nghệ thông tin phục vụ tốt hoạt động tạo lập thị trường...; phải có nghĩa vụ duy trì các điều kiện đối với thành viên tạo lập thị trường, thực hiện nghĩa vụ yết giá, thời gian báo giá, duy trì mức số dư trái phiếu Chính phủ tối thiểu theo quy định của HNX (đối với sản phẩm phái sinh là hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ)... Để giao dịch, thành viên tạo lập thị trường phải đăng ký tài khoản riêng, độc lập với tài khoản tự doanh của doanh nghiệp.../.