Ngày càng nhiều ưu đãi lớn và lợi ích từ dịch vụ ngân hàng điện tử Cơ hội để doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ ngân hàng điện tử Triển khai sinh trắc học, xác định hơn 16 triệu tài khoản sạch |
Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 4/7, đại diện các hiệp hội, ngân hàng thương mại đã chia sẻ những nỗ lực trong việc triển khai Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, cũng như việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng khẳng định, mục đích chung là các ngân hàng phải xây dựng quy trình bảo vệ khách hàng an toàn, cũng như có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Các đơn vị phải phối hợp bảo đảo tài khoản của khách hàng an toàn, dù khách hàng là khách hàng của ngân hàng nào.
Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hành lang pháp lý, ký ban hành 3 Thông tư và đều có hiệu lực từ ngày 1/7, gồm: Thông tư số 15/2024/TT-NHNN quy định cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
“Chúng tôi phải trao đổi xây dựng quy trình chung, cơ chế phối hợp của các ngân hàng cũng như ngành Công an để xử lý hữu hiệu hơn khi xảy ra vấn đề. Phải có tiêu chí nhận diện giao dịch lừa đảo. Cần sự phối hợp thống nhất trong các tổ chức tín dụng, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước ban hành để phối hợp bảo đảm quyền lợi khách hàng tốt hơn” - lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.
Từ thực tế triển khai, đại diện các ngân cho biết, đều cố gắng dùng biện pháp kỹ thuật để chống lừa đảo, bảo vệ an toàn người dùng. Tuy nhiên, càng dùng biện pháp kỹ thuật gây khó khăn cho tội phạm thì cũng gây khó khăn trải nghiệm của khách hàng. Đây là bài toán khó cho ngân hàng vừa đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo trải nghiệm tốt trong thanh toán cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong là đúng |
Phản hồi về thông tin người dân gặp khó khi xác thực sinh trắc học, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong là đúng, nhưng sau hệ thống dần ổn định.
“Chúng tôi có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm qua, hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy” - bà Giao nói.
Tương tự, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đơn vị này cũng ghi nhận hơn 1 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học thành công với hơn 200.000 giao dịch được thực hiện mỗi ngày.
Là ngân hàng tiên phong ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công An, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giúp khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học qua kết nối VneID. Theo đó, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và VNeID. Việc này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại kết nối NFC.
Đại diện Vietcombank cho biết, để triển khai thực hiện Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong đó có Vietcombank đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Có các nhóm “trực chiến”, xây dựng triển khai các quy trình, trao đổi truyền thông, đào tạo, bảo đảm “trực chiến” 24/7.
Đáng chú ý, ngay trước khi triển khai sinh trắc học từ 1/7, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, bên cạnh bảo vệ bằng sinh trắc học, Vietcombank vẫn nâng cấp các lớp bảo vệ cho cách khách hàng. Đây được coi là đợt cập nhật, nâng cấp lớn nhất kể từ khi ra mắt lần đầu năm 2020.
Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” |
Còn ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ, để triệt để xử lý gốc rễ vấn đề lừa đảo trên mobile app thì công tác truyền thông/giáo dục tới khách hàng phải được thực hiện mạnh mẽ, đa kênh và hiệu quả hơn nữa để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.
Đại diện SHB nhận định, sau dịch Covid-19, các giao dịch trên kênh số bùng nổ cũng kéo theo xu hướng tấn công nhiều hơn vào khách hàng và thiết bị của người dùng. Đặc biệt, gần đây chiêu thức lừa đảo của tội phạm còn tinh vi hơn khi sử dụng AI Deepfake. Hackers sẽ thu thập hình ảnh, video, voice, thông tin cá nhân của khách hàng sau đó sử dụng AI (Deep learning) để hoán đổi khuôn mặt, tạo video Deepfake hình ảnh của nạn nhân.
SHB đã xây dựng hệ thống phòng thủ để ngăn ngừa tấn công mạng nhằm bảo vệ tối đa tài sản công cũng như tài sản của khách hàng trong hệ thống. Bên cạnh đó, ngân hàng đã liên tục cảnh báo mạnh mẽ tới khách hàng qua đa dạng kênh như báo chí, sms, push app, website, tại quầy... về các hình thức lừa đảo và biện pháp phòng tránh.
Song song đó, ngân hàng đang tăng cường hơn nữa các biện pháp kỹ thuật như mã hóa dữ liệu mạnh, bảo mật ứng dụng, xác thực mạnh... trong đó có tuân thủ nghiêm ngặt Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về xác thực sinh trắc học trên giao dịch trực tuyến.
Riêng đối với ngăn chặn giả mạo bằng Deepfake, SHB cũng đang tiến hành sử dụng AI, Machine learning; áp dụng các giải pháp sinh trắc học nâng cao. Đội ngũ IT của ngân hàng liên tục định kỳ kiểm thử bảo mật cũng như truyền thông cho khách hàng nâng cao cảnh giác cao độ hơn nữa.
“Hiện nay, SHB đang nỗ lực nhằm biến mobile app thành “thành trì” bảo vệ khách hàng bằng việc thiết kế các chức năng thông minh nhằm hiểu được hoạt động của người sừ dụng, phát hiện những hoạt động bất thường... qua đó giúp ngăn chặn những hành vi gian lận” - ông Lưu Danh Đức nói.
Đại diện ngân hàng này cũng đề xuất sớm xây dựng quy định, quy trình, cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động chuyển tiền của tội phạm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, điểm mới của Thông tư 17 và Thông tư 18 là từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học và chưa được kiểm tra đối chiếu sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trên phương tiện điện tử. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, điều kiện để được cung ứng dịch vụ trên môi trường internet là thông tin phải được xác thực sinh trắc học với Bộ Công an. Mục tiêu của nhà điều hành năm 2025 là sẽ xây dựng, quản lý toàn bộ hệ thống tài khoản, thẻ, ví, đơn vị chấp nhận thanh toán... trong toàn quốc. Qua đó, Ngân hàng nhà nước sẽ cung cấp đánh giá tổng thể về từng tài khoản cho các tổ chức tín dụng theo trạng thái có vấn đề hoặc chưa có vấn đề nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng làm làm sạch dữ liệu, ngăn chặn các giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo,…
Thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng mạnh, trở thành “vấn nạn”, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc dư luận xã hội. Cụ thể, năm 2022, thiệt hại do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra là 1.276 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021; năm 2023 là 4.514 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2022. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, thiệt hại do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 4.239 tỷ đồng, tức bằng 94% so với cả năm 2023. |