Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì hội thảo |
Theo thứ trưởng Cao Quốc Hưng, ngoài việc phải giải quyết các vấn đề hiện tại, dự thảo đề án cần định hướng phát triển ngành trong thời gian tới để làm thế nào ngành dệt may đạt được mục tiêu đề ra. Bởi hiện dù ngành dệt may đã phát triển nhanh với kim ngạch xuất khẩu gần 30 tỷ USD, song còn nhiều việc phải xem xét kỹ hơn khi doanh nghiệp (DN) vẫn gia công, nguyên phụ liệu nhập khẩu nhiều; sơ sợi nhuộm còn thiếu chỉ đáp ứng 30% nhu cầu vải sản xuất...
Thông tin về tình hình phát triển ngành dệt may hiện nay, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - cho biết: Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thu hút lực lượng lao động lớn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của ngành có mức tăng bình quân 14,59%. Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 28,123 tỷ USD, gấp 1,2 lần so với 2010. Kết quả này đưa ngành dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước, nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Mặc dù vậy, ngành cũng đang gặp phải nhiều khó khăn như chuỗi cung ứng dệt may chưa thực sự phát triển, sử dụng nhiều lao động, công tác marketing và xúc tiến thương mại còn hạn chế; thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng, kém cạnh tranh về giá thành, thời hạn giao hàng...
Do đó, dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035” đề ra sẽ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dệt may thành ngành kinh tế quan trọng, một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu, có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Về phía Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy hoạch sản xuất đối với các sản phẩm dệt may theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở cho việc giám sát; kiểm tra các sản phẩm của ngành. Nghiên cứu thành lập trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hội nhập khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội dệt may trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương xây dựng chính sách phát triển ngành và bảo vệ quyền lợi của DN, người tiêu dùng.
Tham dự hội thảo, đại diện các Sở Công Thương tại phía Nam như Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Đồng Nai... đều nhất trí với dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035”.
Về phía hiệp hội và các DN như Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại diện Tổng công ty CP Phong Phú, Nhà Bè... đã đưa ra một số ý kiến đóng góp cho đề án như: dự thảocần có định hướng chọn lọc nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc - vốn có thế mạnh và công nghệ sản xuất vải tiến tiến của thế giới; cần có chính sách định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may (nhãn, nút...)... Các DN cho rằng, sự phát triển ngành may cần định hướng vào thời trang, làm sao để đến năm 2035 Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thời trang của khu vực...
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Bộ Công Thương sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án và thực hiện tuyên truyền về cải cách hành chính, tiếp tục thúc đẩy cải cách để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN. |