Giúp phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới |
Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023” có chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” nằm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939).
Cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn, hỗ trợ các dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa góp phần thúc đẩy, thành lập mới, phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự thi; phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công, tôn vinh và lan tỏa trong cộng đồng; bổ sung số lượng vào đội ngũ doanh nhân nữ của địa phương, của đất nước; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động của cuộc thi có ý nghĩa to lớn trong việc cộng hưởng giá trị từ các thành tố trong hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhiều nguồn lực nhất có thể nhằm hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện để có đội ngũ nữ doanh nhân nhiệt huyết, năng động và hoạt động chuyên nghiệp, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và công nghệ số.
Đồng thời thúc đẩy hoài bão, ước mơ cống hiến cho quê hương của các tầng lớp phụ nữ trong phát triển nguồn tài nguyên bản địa, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, thành thị; vùng sâu, vùng xa; vùng đồng bào dân tộc tiểu số...
Đối tượng của cuộc thi ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, các nữ vận động viên chuẩn bị giải nghệ... giúp họ tự tin, mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tạo tác động xã hội, góp phần phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và đất nước.
Lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: Nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, chế tạo sản phẩm; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội; các lĩnh vực khác có tiềm năng đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, nâng cao thu nhập, tạo việc làm và sinh kế cho phụ nữ.
Ứng viên đạt giải trong cuộc thi toàn quốc năm 2023 sẽ có cơ hội nhận các giải thưởng, cũng như được tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực, ươm tạo, phát triển kinh doanh và kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh. Dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 9/2023.
Được tổ chức từ năm 2018 đến nay, thông qua các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp đã có 3.549 đề xuất dự án/ý tưởng khởi nghiệp trên các lĩnh vực đa dạng như nông lâm ngư nghiệp, chế biến, công nghệ sinh học, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, mô hình sinh kế thông minh thích ứng biến đổi khí hậu... đăng ký tham gia và đã có 41 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã có ý tưởng/dự án khởi nghiệp xuất sắc, 31 tổ hợp tác/mô hình giảm nghèo tiêu biểu được được lựa chọn trao giải và hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí gần 32,5 tỷ đồng.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định nhiệm vụn hiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội. Với sự phối hợp, đồng hành của các ngành chức năng, thông qua các hoạt động của Đề án Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939), các cấp Hội đã khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng, đề án gắn với việc thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.
Theo Chủ tịch Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam, với quyết tâm chính trị của cả hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu cho các cấp Hội phải phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể tìm ra các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, tăng số lượng và chất lượng hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tăng số phụ nữ tham gia hợp tác xã ở cả vai trò quản lý đến vai trò lao động. "Đây cũng là phương thức giúp phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản xuất, giúp tạo việc làm cho lao động nữ trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19"- bà Hà nhấn mạnh.