Phát triển bền vững AEC: Doanh nghiệp giữ vai trò trụ cột
Trao giải thưởng cho các DN, doanh nhân suất sắc trong khu vực ASEAN năm 2015 |
TS. Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm đồng Chủ tịch Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của các DN thông qua đó mang lại cho họ những cơ hội kinh doanh to lớn, lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian qua VBCSD đã thực hiện việc hỗ trợ khối DN nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, tiêu biểu là việc phối hợp cùng Chính phủ xây dựng và triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2014 - 2015 phần lớn đã được thực hiện và có kết quả. Cụ thể, chỉ số “bảo vệ nhà đầu tư” dự kiến tăng từ vị trí 157 lên vị trí 52; “khởi sự kinh doanh” từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60; “nộp thuế” từ vị trí 149 lên khoảng vị trí 134; “tiếp cận điện” từ vị trí 115 lên khoảng vị trí 111. Với những kết quả này, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên thứ hạng 56. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ chú trọng đến các chỉ số về “thể chế” thuộc nhóm “các nhân tố cơ bản” và đầu tư cho các nhân tố tăng năng suất.
Dưới góc độ của DN, Ông Nopporn Keeratibunharn - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị SCG Cement- Building materials tại Việt Nam nhấn mạnh, việc áp dụng khoa học công nghệ, tăng cường đổi mới, sáng tạo và phát triển con người là những điều kiện tiên quyết thúc đẩy năng suất tại các nền kinh tế đang phát triển. Với định hướng trở thành DN phát triển bền vững hàng đầu Đông Nam Á, mỗi năm SCG chi hơn 1 tỷ Baht cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải tiến sản phẩm và dịch vụ để phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, SCG cũng tạo điều kiện tốt nhất cho việc chuyển giao công nghệ và thúc đẩy trao đổi các kinh nghiệm quản lý giữa các DN trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh các DN cần cân bằng giữa lợi ích kinh tế và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển bền vững khi đó không chỉ là một lựa chọn mà sẽ là “chương trình bắt buộc” với tất cả các DN, trong đó đòi hỏi một chiến lược và kế hoạch cụ thể để duy trì sự phát triển của DN trong sự cân bằng với nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và tạo ra một cuộc sống tốt đẹp cân bằng hơn trong toàn khu vực và thế giới.