Phát triển BHXH tự nguyện: “Mưa dầm thấm lâu”
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, ngừng sản xuất kinh doanh, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất...; đời sống, thu nhập của người lao động, người dân trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
BHXH Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện |
Trong khi đó, năm 2020, chỉ tiêu giao phát triển BHXH tự nguyện năm 2020 đối với tỉnh Bắc Giang tăng trên 200% so với năm 2019 (năm 2019 số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 9.111 người; năm 2020 chỉ tiêu được giao là 20.765 người). Tính đến hết tháng 5 năm 2020 - sau khi hưởng ứng Lễ phát động tham gia BHXH tự nguyện của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn là 9.995 người. Tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn phải phát triển là 10.770 người.
Đứng trước những khó khăn nêu trên, để vừa nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 của tỉnh, BHXH tỉnh Bắc Giang đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện “Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện” - chọn tháng 7 là “Tháng cao điểm” triển khai; qua đó, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, vận động, phát triển BHXH tự nguyện. Phấn đấu năm 2020, có 20.765 người tham gia, tăng trên 11.500 người so với năm 2019.
Để việc triển khai “Tháng cao điểm” trên địa bàn được hiệu quả, ông Thân Đức Lại – Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, dự Lễ phát động và phụ trách theo dõi, đôn đốc kiểm tra thực hiện “Tháng cao điểm”; đồng thời tham mưu tổ chức Lễ phát động và phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện “Tháng cao điểm” tại các huyện, thành phố.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo BHXH các huyện vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trong “Tháng cao điểm”; chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ ra quân, đồng thời củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau một tháng triển khai thực hiện “Tháng cao điểm”, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh (trên 4.000 tham gia); nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện của công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên.
Theo BHXH tỉnh Bắc Giang, đến hết tháng 7/2020, tỉnh Bắc Giang có 15,2 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 6,1 nghìn người so với tháng 12/2019. Riêng “Tháng cao điểm” đã vận động được 4.026 người tham gia, vượt 87% so với kế hoạch đề ra. Một số huyện đạt kết quả cao như: Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Hiệp Hòa.
Đặc biệt, theo lãnh đạo BHXH tỉnh Bắc Giang, trước đây, Lục Ngạn là huyện có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp. Trong thời gian dài chỉ có vài trăm người tham gia. Để thực hiện chỉ tiêu tăng đối tượng, BHXH huyện rà soát lại toàn bộ các nhóm đối tượng chưa tham gia ở từng xã, thị trấn. Xác định đối tượng vận động khó nhất là nông dân nhưng đối tượng này là nhóm có thu nhập từ đồi vườn cây trái, địa phương tập trung tuyên truyền về lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện đối với đời sống, nhất là để dành tích lũy về già khi hết tuổi lao động. Với phương châm vận động từng nhà, rà từng người, các xã, thị trấn thành lập Tổ tuyên truyền tính ưu việt của chính sách để người dân nắm, hiểu, tự nguyện tham gia. Mở rộng mạng lưới đại lý tư vấn, hướng dẫn và thu BHXH tự nguyện ở xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có hơn 1,7 nghìn người tham gia, đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tiễn triển khai “Tháng cao điểm”, theo ông Thân Đức Lại giải pháp để BHXH Bắc Giang phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện những tháng cuối năm 2020, đó là: Tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác phát triển đối tượng tham gia; sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản của UBND tỉnh; trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tham gia, phân tích số liệu của từng nhóm đối tượng, từ đó xác định được đối tượng tiềm năng cần phải tuyên truyền vận động nhằm duy trì bền vững quá trình tham gia; phát huy tối đa các kênh đại lý (Bưu điện, Hội phụ nữ, xã…) trong việc tuyên truyền, kiên trì, bền bỉ vận động theo hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, “mưa dầm thấm lâu”… trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân đối với chính sách BHXH tự nguyện; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính; đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục phát động phong trào cán bộ, công chức viên chức, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện năm 2020.
Ông Thân Đức Lại – Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang: Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, BHXH tỉnh đã tham mưu đúng, trúng, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban chỉ đạo các cấp tổ chức, triển khai thực hiện “Tháng cao điểm” vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện được thuận lợi. |