Theo Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu: Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời cơ bản trở thành nước công nghiệp, với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp và các sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.
Xưởng sản xuất của một doanh nghiệp CNHT Việt Nam chuyên cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn |
Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu tập trung phát triển CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu: Linh kiện phụ tùng; lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày và lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã xây dựng chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Đồng thời, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và CNHT, như: bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản; bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích các địa phương xây dựng chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó; xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và CNHT có thời hạn đến năm 2025…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng… Đặc biệt, nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT trong triển khai hiệu quả Chương trình phát triển CNHT, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, phát triển khoa học và công nghệ cũng như phát triển nguồn nhân lực CNHT.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và quỹ phát triển, chính sách thuế cũng như trong công tác xử lý môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may và da - giày.
Với sự nỗ lực của ngành Công Thương cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam chắc chắn sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển CNHT trong một số lĩnh vực quan trọng của đất nước.