Hàng triệu m3 nước thải ra môi trường mỗi ngày
CôngThương - Tỷ lệ rác thải qua xử lý thấp
Đến hết năm 2011, cả nước có khoảng 283 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, nhưng chỉ có 105 KCN đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, số còn lại đang xây dựng. Trong đó, nhiều hệ thống xử lý không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn đến chất lượng xử lý chưa đạt tiêu chuẩn.
Thống kê đến năm 2010, chỉ tính riêng tổng lượng nước thải KCN ở 3 vùng kinh tế trọng điểm là gần 641.000 m3/ngày, đêm nhưng mới xử lý đạt 34%. Khu vực đô thị, có 6 tỉnh, thành phố có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu, số còn lại đều xả trực tiếp ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng.
Từ năm 2003 đến 2008, lượng chất thải rắn thông thường và nguy hại tăng từ 150- 200%, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng trên 200%, công nghiệp tăng 181%. Dự báo, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn phát sinh ước đạt khoảng 44 triệu tấn/năm. Trong khi tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 85% nhưng chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, hoặc đốt, tỷ lệ tái chế thành những sản phẩm có ích chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Cả nước có 12 tỉnh và 16 cơ sở chế biến rác đang hoạt động với công suất 3.000 - 4.000 tấn/ngày và 14 cơ sở khác đang xây dựng, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu chế biến.
Ông Lê Dương Quang - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng ban điều hành thực hiện đề án phát triển ngành CNMT: Phát triển công nghiệp môi trường là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và cấp bách trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững. |
Nhà đầu tư chưa mặn mà
Xử lý ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là thách thức không nhỏ do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nhiều sản phẩm CNMT do doanh nghiệp làm ra không được quan tâm. Trước những bất cập trong công tác xử lý môi trường, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 phê duyệt Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu nhằm phát triển CNMT thành ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ bảo vệ môi trường, xử lý kiểm soát ô nhiễm, khắc phụ suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng với chi phí quá ít hiện nay, cộng với giá mà người xả thải trả quá thấp, thêm vào đó cơ chế chưa đủ sức hấp dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển ngành CNMT.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ phát triển ngành CNMT. Theo đó, sẽ xây dựng các nhóm chính sách nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập hiện nay để phù hợp với hoàn cảnh phát triển kinh tế- xã hội của đất nước bao gồm: Quản lý nhà nước, quy định rõ các thành phần kinh tế tham gia; hoạt động thẩm định nhà nước đối với thiết bị, dây chuyền, công nghệ xử lý môi trường; hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chú trọng đến hợp tác quốc tế, đặc biệt chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức... hoạt động trong lĩnh vực CNMT. Tuy nhiên để làm được việc này cần có sự chung tay góp sức của các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.