Quảng Trị: Công nghiệp, thương mại 6 tháng đầu năm phát triển ổn định Quảng Trị: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phát triển sản phẩm chủ lực |
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và khu vực nhưng công nghiệp, thương mại của tỉnh vẫn có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quý III/2024, các hoạt động thương mại và kinh doanh dịch vụ khôi phục, đạt mức tăng trưởng khá (trên 80% so kế hoạch đề ra); dịch vụ du lịch, doanh thu bán lẻ hàng hóa; lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cấp hàng hóa được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá.
Ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị - cho hay: “Sở đã tích cực theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp... Qua đó, đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh”.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại trong những tháng đầu năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn.
Vẫn còn vướng mắc trong xử lý hàng hóa vi phạm tại Quảng Trị. |
Cụ thể, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều, không thu hồi được công nợ đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, công nhân thiếu việc làm. Đồng thời, ngân hàng thắt chặt tín dụng khiến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu phát triển của ngành mặc dù có mức tăng trưởng dương, tuy nhiên sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, thấp hơn so với kịch bản đề ra (IIP chỉ tăng 3,86%), áp lực lạm phát vẫn hiện hữu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, khu vực công nghiệp tăng thấp, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng ngành, tăng thấp (+2,66%) so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân được đưa ra là do một số ngành xuất khẩu gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung ngành trong các tháng đầu năm 2024.
Một nguyên nhân khác là do, trong hai năm 2022-2023, ngành điện là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp nhưng các tháng đầu năm 2024 không có dự án mới hoàn thành đi vào hoạt động, các dự án trước đây hoạt động với công suất ổn định nên tăng trưởng thấp. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh chậm được triển khai làm chậm đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu, lãi suất ngân hàng tăng cao đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Thạnh |
Đồng thời, còn nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp và thương mại trong 9 tháng đầu năm 2024 như: Vướng mắc trong xử lý hàng hóa vi phạm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào còn hạn chế nên công tác phối hợp đấu tranh ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; một số ngành công nghiệp chế biến... gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung ngành trong 9 tháng năm 2024. Việc chậm trễ triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực Công Thương; sự chồng chéo mâu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành làm ảnh hướng đến tiến độ của nhiều dự án; tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu còn hạn chế.
“Trong ba tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen... Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Trong đó, về công nghiệp, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng cuối năm 2024 tăng 5,5 - 6% so với cùng kỳ năm trước. Về thương mại, cố gắng đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 3 tháng cuối năm 2024 ước đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng để năm 2024 đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023” - ông Nguyễn Trường Khoa cho hay.