Mỗi năm, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh loạn thần do nghiện rượu, bia. Đây là một rối loạn tâm thần thứ phát, trong đó sự tiếp xúc với đời sống thực tế bị tổn hại do hoang tưởng và ảo giác, xảy ra trong các điều kiện liên quan đến rượu như nhiễm độc cấp tính, ngộ độc rượu, hoặc khi có sự giảm đáng kể việc tiêu thụ rượu.
Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, mỗi năm bệnh viện khám và tiếp nhận điều trị cho trên 500 bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Nhiều trường hợp nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp loạn thần do rượu có những hành vi gây tổn hại đến bản thân và cộng đồng.
Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia của Tuyên Quang đến năm 2030 là giảm thiểu những hệ lụy từ việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội |
Đơn cử, như trường hợp của ông Nông Anh M, 50 tuổi ở xã Tân Tiến (Yên Sơn) đã gần 20 năm uống rượu và 3 năm trở lại đây, ông bị nghiện rượu. Theo lời người nhà, ông M. uống rượu nhiều lần trong ngày. Sức khỏe ngày càng suy giảm và nghiêm trọng hơn. Năm 2023, ông M. phải nhập viện trong thời gian hơn 1 tháng với biểu hiện rối loạn tâm thần nặng. Ra viện, ông M. vẫn tiếp tục uống rượu và mới đây, ông M. lại tái nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần nặng hơn với những biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...
Theo bác sỹ Lê Thị Lý, cán bộ phụ trách Khoa Thần kinh - Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại khoa điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu, bia tăng hơn so với trước. Hiện tại, khoa đang điều trị cho 10 bệnh nhân rối loạn tâm thần, hành vi do lạm dụng rượu, bia. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu.
Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp khó điều trị. Khi điều trị tại bệnh viện, các bác sỹ, điều dưỡng vừa phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân để điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc, vừa phải động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Đa phần bệnh nhân đều đáp ứng tốt trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, việc điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận... ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa. Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, báo động về một hiểm họa do rượu gây ra mà ít người nghĩ đến như: Biến đổi tâm thần, hoang tưởng, dễ bị kích động, cáu gắt, ghen tuông… dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm.
Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, với những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để phòng những hệ lụy do rượu bia, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày và nữ giới không nên uống một đơn vị cồn/ngày; Không uống quá 5 ngày/tuần.
Thời gian qua, các đội tuần tra kiểm soát, các trạm Cảnh sát giao thông thuộc phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm tuyên truyền và xử lý với cách hành vi sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông. Ảnh: ĐL |
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
Để giảm thiểu tối đa tác hại của bia, rượu, ngày 18/10/2024, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 4835/UBND-THVX chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10/2024, phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030.
Mục tiêu chính của Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe con người và xã hội, thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt trong các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như thanh thiếu niên, phụ nữ, người lao động. Đề án này nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược truyền thông mạnh mẽ và đồng bộ nhằm giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực từ việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe cộng đồng và an toàn xã hội.
Tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương như Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, cùng các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến rượu, bia. Đặc biệt, giao Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia trong cộng đồng. Đồng thời, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các quy định về kinh doanh rượu, bia được tuân thủ nghiêm ngặt…