Hà Nội ngày càng đổi mới |
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (sau đây gọi tắt là Dự thảo) có đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đạt 38- 40%. Tuy nhiên, tại mục “Phương hướng nhiệm vụ” của phần III về “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Dự thảo mới chỉ đề cập tới “Phát triển đô thị” tương đối vắn tắt và khá chung chung như sau: “Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng, đô thị di sản, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị khoa học”.
LTS: Thực hiện nhiệm vụ do Đảng ủy Bộ Công Thương giao, Đảng bộ Vuasanca tiến hành đợt sinh hoạt chính trị, thảo luận và góp ý đối với Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với đặc thù là một cơ quan báo chí, những ý kiến đóng góp của Đảng bộ Vuasanca được tổng kết từ quá trình thâm nhập thực tiễn của các cán bộ, phóng viên trên mọi miền Tổ quốc. |
Dự thảo cần xác định mục tiêu của việc phát triển đô thị trong giai đoạn mới trước hết phải đề ra được phương hướng khắc phục được cơ bản những bất cập, hạn chế đã diễn ra trong những năm gần đây. Có như vậy, các đô thị mới thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; là hạt nhân thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin nêu một số thách thức cần được quan tâm đúng mức.
Từ bài toán quản lý dân số đô thị...
Theo Tổng cục Thống kê, tại các thành phố lớn, mật độ dân số đang vượt ngưỡng tiêu chuẩn rất cao. Cụ thể: Hà Nội: 3.490 người/km2 (gấp gần 100 lần mật độ chuẩn), TP.Hồ Chí Minh: 2.909 người/km2... nếu so sánh với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN thì mật độ dân số ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh quả là “nghẹt thở”. Ví dụ, ở Indonesia khoảng 124 người/km2, Myanmar 88 người/1 km2, Thái Lan 130 người/km2, Philippin 124 người/km2…
Với mật độ dày đặc như vậy (và vẫn tiếp tục tăng đều hàng năm), nhưng ước tính trung bình mỗi năm, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều cùng đón thêm vài chục ngàn người nhập cư. Chính vì vậy, hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác gây nên những tác hại rất lớn đối với nguồn lực xã hội. Trong khi đó, theo tính toán, 2 thành phố lớn nhất nước và cũng có trình độ phát triển cao nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ sớm trở thành một “siêu đô thị” trên 10 triệu dân trong tương lai gần. Đồng thời, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng đang nhanh chóng biến thành các đô thị lớn chứa nhiều triệu dân.
Trong những năm gần đây, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhiều công trình giao thông nội đô có vốn đầu tư rất lớn nhưng chỉ mới đưa vào sử dụng đã nhanh chóng quá tải, ùn tắc. Rõ ràng, nếu không tìm được lời giải cho bài toán quản lý dân số thì các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các đô thị lớn sẽ luôn rơi vào tình trạng lúng túng, thụ động, không theo kịp thực tế.
Đến vấn nạn rác thải...
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày. Phần lớn lượng rác phát sinh tại các thành phố lớn.
Tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15%/ năm, tổng lượng rác thải ra ngoài môi trường lên tới 5.000 tấn/ngày. TP.Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỷ đồng để xử lý...
Những số liệu đó cộng với sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo: Chỉ trong vòng 5 năm nữa, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác sẽ không còn chỗ để chứa rác. Trong khi việc quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam đang còn rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp. Vì vậy, Dự thảo cần vạch rõ những phương hướng lớn để sớm luật hóa những tiêu chuẩn về quản lý, xử lý rác thải tại các đô thị tương ứng với nguồn lực trong ngắn hạn và dài hạn.
Và xây dựng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu
Trong những năm qua, xác định Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách nhằm ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu. Riêng đối với phát triển đô thị, từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013- 2020 (Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những tác hại từ thiên tai do biến đổi khí hậu đối với các đô thị lớn hơn nhiều so với những gì được tiên lượng, ví dụ như trận mưa lụt lịch sử vừa qua ở địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cần lưu ý là các đô thị của Quảng Ninh đều mới xây dựng, ở sát biển, nhưng vẫn bị ngập lụt dài ngày do nước không kịp tiêu thoát, thiệt hại rất nặng nề. Tại nhiều đô thị lớn khác trên cả nước, nhiều tính toán, quy hoạch vừa mới xây dựng đã không còn đúng với thực tế. Đây là hạn chế cần được Dự thảo đề cập, chỉ rõ, rút kinh nghiệm để hoạch định một tầm nhìn dài hạn trong tương lai, khi nước ta đối mặt nhiều hơn với những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ước tính, đến hết năm 2014, dân số của Hà Nội khoảng 7,2 triệu người, chưa kể khoảng 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú. Mật độ dân số hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2; đặc biệt có quận nội thành như Đống Đa tới trên 35.000 người/km2. |