BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp |
Phát triển đối tượng tham gia còn chậm
Báo cáo cho thấy, toàn ngành thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được 140.304 tỷ đồng (đạt 49,53% kế hoạch được giao và tăng 24.408 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016); ước tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 15.425,6 tỷ đồng, chiếm 5,4% kế hoạch thu.
Tuy nhiên, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng nêu rõ, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 6 tháng đầu năm còn một số vướng mắc, tồn tại. Đáng báo động là tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại các địa phương còn khá phổ biến, trong đó có cả phần kinh phí do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT.
Đặc biệt, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm (nhất là đối tượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ), làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra; nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, BHYT thuộc thẩm quyền ban hành của các cơ quan quản lý nhà nước còn trì trệ, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện. Tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản, BH thất nghiệp vẫn còn diễn biến tại một số địa phương…
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của ngành BHXH là phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, vì vậy, nửa chặng đường năm 2017 còn lại, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã kêu gọi toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể; phải quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ngoài ra, phải đảm bảo quản lý an toàn, hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT.
Một trong những giải pháp được ngành BHXH tập trung quyết liệt thực hiện, theo ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đó là tiếp tục tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.
Về phía các địa phương, lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tại địa phương, hướng tới các mục tiêu có tính đột phá; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành củng cố công tác chia sẻ dữ liệu các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp dần tiến tới quản lý dữ liệu tham gia hiệu quả hơn nữa. Tăng cường thanh tra chuyên ngành tại địa phương; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; ngăn ngừa hành vi trục lợi quỹ BHYT, các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp,…); đảm bảo cân đối, quản lý hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động.
Ngành BHXH Việt Nam xác định, để triển khai mở rộng đối tượng tham gia BH đạt hiệu quả, việc huy động và phát huy được sự tham gia của các cấp uỷ, chính quyền, các sở, ngành, cơ quan đoàn thể cùng vào cuộc tại mỗi địa phương là hết sức quan trọng. |