Quản lý đất đai và xác định giá đất, những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán Khơi thông nguồn lực cho phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp |
Ngày 18/10/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Hội thảo do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì.
Tham gia thảo luận tại hội thảo có ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội; bà Đỗ Thị Thu Hằng - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi Đồng Nai; ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. Đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành II; Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh… và sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) được xác định là một trong những nội dung quan trọng, hình thành từ đường lối “Đổi mới” của Đảng nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thành tựu đạt được sau hơn 30 năm phát triển các KCN, KKT là những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Các KCN, KKT đã đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Sự phát triển của các KCN, KKT cũng đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các KCN, KKT. Cụ thể là vấn đề về: quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hiệu quả sử dụng đất…
Quang cảnh Hội thảo |
Nguyên nhân dẫn tới những “nút thắt” được các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ tại Hội thảo. Qua các cuộc kiểm toán chuyên đề về đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư, các cuộc kiểm toán lồng ghép… KTNN cũng phát hiện và chỉ ra các “nút thắt” trong phát triển KKT, KCN và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để góp phần tháo gỡ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các KKT, KCN.
Trong giai đoạn 2016-2022, KTNN đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có 6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN.... Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung hàng chục văn bản quy phạm pháp luật, từ nghị định, thông tư đến các văn bản quản lý, hướng dẫn đặc thù cho từng lĩnh vực; đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao giúp khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như bịt những lỗ hổng trong hệ thống các quy định về bảo vệ môi trường, tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý môi trường.
Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra lĩnh vực tài chính công, tài sản công, KTNN đã góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và phần nào đóng góp cho sự phát triển các KKT, KCN, cụm công nghiệp trên cả nước; đồng thời những đề xuất, giải pháp của KTNN cũng góp phần phát triển KKT, KCN như một động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước./.