Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương, các địa phương tổ chức, với mục tiêu nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao năng suất phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
Hội thảo chuyên đề: Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất |
Với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, trong khuôn khổ Diễn đàn tổ chức 4 hội thảo chuyên đề gồm: Nâng cao chất lượng quy định, chính sách để thúc đẩy năng suất; giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất; phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất; thúc đẩy năng suất chất lượng tại các tỉnh, thành phố và 01 phiên toàn thể.
Năng suất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Thúc đẩy năng suất luôn là chủ đề được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm và muốn thực hiện.
Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới tư duy năng suất, chuẩn bị kiến thức về năng suất cho sinh viên, học sinh như một chiến lược dài hạn thúc đẩy năng suất. Vì vậy, cần tiến tới xây dựng chương trình đào tạo tiêu chuẩn cho khối các trường đại học, cao đẳng, nhân rộng các mô hình thực hành tốt về năng suất cho học sinh. Từ đó, từng bước hình thành kỹ năng, tư duy năng suất tiên tiến, hiện đại.
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề: Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất, PGS. TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng trong mọi chiến lược phát triển của các quốc gia. Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ có nêu các yêu cầu và mục tiêu cụ thể.
Đó là, xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về năng suất trong khối sinh viên các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo thực hành, mô phỏng về cải tiến năng suất; tổ chức các chương trình, khóa đào tạo về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến năm 2025 hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đến năm 2030 là tại ít nhất 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Quyết định số 1322/2020/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra mục tiêu cả nước có 1.000 chuyên gia năng suất được cấp chứng chỉ, trong đó có 200 người được cấp chứng chỉ quốc tế.
Đây đều là những mục tiêu và yêu cầu rất mới đối với Việt Nam. Từ trước tới nay, xã hội và doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề năng suất, cũng có nhiều cơ sở nghiên cứu, tư vấn đã triển khai nghiên cứu về năng suất để ứng dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
“Để cải tiến năng suất trở thành nhu cầu thường xuyên, thành thói quen của người lao động thì cần thiết phải hình thành nền tảng tư duy và quan trọng hơn là văn hóa năng suất” - PGS. TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Phạm Minh Sơn, khảo sát từ doanh nghiệp, sinh viên cho thấy, hơn 80% nhà quản lý, giảng viên cho rằng cần thiết xây dựng đào tạo về năng suất, chất lượng. "100% những người được khảo sát về năng suất, chất lượng muốn được trải qua các chương trình lý thuyết và thực hành để từ đó nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo" - ông Sơn chia sẻ.
Đồng thời, sinh viên của các trường đại học mong muốn được thực hành năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp, tổ chức. Trong khi đó, các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho rằng, đào tạo năng suất, chất lượng cho sinhh viên là chưa đủ mà cần tăng cường đào tạo thực tiễn và doanh nghiệp cũng sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập để nâng cao hiệu quả.
Ông Mohamad Muzaffar Abdul Hamid - Trưởng phòng đào tạo và phát triển năng suất, Tổ chức Năng suất Malaysia phát biểu |
Vấn đề quan trọng ở đây là phải xây dựng được những học phần, triển khai đào tạo phù hợp. Bên cạnh những phần lý thuyết có phần khô khan, trìu tượng, đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng thúc đẩy năng suất, chất lượng cần có những hội thảo chuyên đề để sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Mohamad Muzaffar Abdul Hamid, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển năng suất, Tổ chức Năng suất Malaysia, chuyên gia APO cho biết, năng suất, chất lượng luôn là động lực phát triển và vấn đề cải thiện năng suất, chất lượng được đặc biệt quan tâm.
Muốn phát triển năng suất, chất lượng là cả quá trình, chúng ta cần phải bắt đầu từ con người, nguồn lực lao động chất lượng cao trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. "Phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng cho giới trẻ là việc làm cấp thiết" - ông Mohamad Muzaffar Abdul Hamid khẳng định.