Phát triển thị trường chứng khoán năm 2017: Nhiều giải pháp đồng bộ
Khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2017 |
Sau 20 năm vận hành, phát triển, TTCK đã phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Tính đến cuối năm 2016, TTCK đã cung ứng 25% vốn cho nền kinh tế, quy mô vốn hóa toàn TTCK (gồm trái phiếu, cổ phiếu) tương đương 74% GDP, tăng trên 35% so với năm 2015.
Tổng vốn huy động qua TTCK năm 2016 đạt 348.000 tỷ đồng, tăng 54% so với 2015. Trong đó, vốn trái phiếu đạt 312.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu có mức giao dịch bình quân đạt trên 6.200 tỷ đồng/phiên, tăng 72% so với năm 2015; vốn huy động từ cổ phiếu đạt trên 36.000 tỷ đồng; thanh khoản thị trường cổ phiếu cải thiện, giao dịch bình quân đạt trên 3.000 tỷ đồng/phiên, tăng 19% so với 2015.
Năm 2016, đã có 108 doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch cổ phiếu các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), nâng tổng số DN trên thị trường UPCoM lên 408 DN, với mức vốn hóa toàn thị trường tăng hơn 4 lần so với năm 2015.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển mạnh hơn về quy mô, chất lượng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, hiện đại. Muốn làm được điều này, năm 2017, ngành Chứng khoán cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với các thông lệ quốc tế và điều kiện của đất nước; tiếp tục cơ cấu lại TTCK và các cơ quan quản lý chứng khoán. Theo đó, đẩy nhanh tiến trình hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo nguyên tắc TTCK phát triển ở nhiều cấp độ, tăng quy mô, chất lượng hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm và nghiệp vụ, đảm bảo vận hành thị trường an toàn, hiệu quả, bền vững, công khai, minh bạch.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa TTCK phái sinh vào vận hành trong quý II/2017; nghiên cứu phát triển các sản phẩm phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp nhu cầu và sự phát triển của thị trường, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát rủi ro. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện kỹ thuật cho thị trường trái phiếu DN triển khai năm 2018. Tổ chức tốt hoạt động đấu thầu và giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) để huy động vốn cho ngân sách nhà nước, kết hợp cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của TPCP, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành. Phát triển trái phiếu chính quyền địa phương trên cơ sở siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước; thúc đẩy các địa phương tăng cường huy động vốn trên thị trường trái phiếu, phát hành trái phiếu xanh.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội hệ thống các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy TTCK phát triển mạnh cả chiều rộng, chiều sâu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, bảo vệ lợi ích chính đáng của công chúng đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn thiện các cơ chế hoạt động của TTCK theo hướng an toàn, hiệu quả, hiện đại.
Phiên giao dịch đầu tiên năm 2017, cổ phiếu của 2 DN lớn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức niêm yết và đăng ký giao dịch. |