Đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử |
Thiếu đồng bộ
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, các kênh phân phối TMĐT được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội... trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay khoảng 46% doanh nghiệp (DN) tự xây dựng, vận hành website, 13% DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT. Giai đoạn 2012 - 2016, tỷ lệ DN nhận đơn đặt hàng và đặt hàng thông qua các website TMĐT tăng 30%. 76% website bán hàng có phạm vi kinh doanh toàn quốc, 24% có phạm vi kinh doanh theo địa phương hoặc khu vực. Đi cùng với đó, các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch TMĐT gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động… Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có khoảng 97% DN TMĐT chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 16% DN chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cũng thừa nhận, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán, logistics hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ và tính kết nối. Kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy, 40% khách hàng trả lời vận chuyển và giao hàng chậm, không chuyên nghiệp.
Tạo lực đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống TMĐT, các hạ tầng phụ trợ cho TMĐT cần được đẩy mạnh phát triển đồng bộ, song song. Đầu tiên, hạ tầng pháp lý cho TMĐT cần được liên tục cập nhật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh một cách toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động TMĐT khác nhau trong xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia cần tiếp tục hoàn thiện, tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt là loại hình TMĐT DN - người tiêu dùng (B2C), DN - DN (B2B), chính phủ - người dân (G2C), chính phủ - DN (G2B).
Bên cạnh đó, hạ tầng chứng từ điện tử trong thương mại là yếu tố còn thiếu của nền tảng TMĐT hiện nay và cần được tập trung xây dựng trong thời gian tới. Đặc biệt, hạ tầng chuyển phát cho TMĐT phải chú trọng giải quyết được yếu tố thời gian, quy trình đóng gói, đảm bảo mẫu mã và chất lượng sản phẩm, nhất là khả năng giải quyết khâu hậu cần hoàn tất đơn hàng cho các nhà sản xuất với xu hướng nhà sản xuất sẽ trực tiếp bán và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT cần được củng cố với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch TMĐT; đánh giá tín nhiệm website TMĐT và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT.
Để hỗ trợ giao dịch TMĐT, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai hệ thống thanh toán TMĐT Keypay với những tiện ích phù hợp điều kiện đặc thù của DN Việt Nam. Ngoài ra, tập trung xây dựng Hệ thống quản lý chứng từ điện tử để triển khai rộng rãi trong hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường; xây dựng giải pháp hóa đơn điện tử cho DN kinh doanh TMĐT… |