Vứt mẩu thuốc ra môi trường sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng |
Theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Trong đó hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây.
Tại điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), khoản 1, quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Và khoản 2 có quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này. Tại khoản 3 cũng quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trên các phương tiện giao thông công cộng như ô tô, tàu bay, tàu điện.
Nếu vi phạm hút thuốc lá tại các địa điểm kể trên sẽ có các mức phạt theo Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên việc hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định mới như trên được coi là biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn hành vi thiếu ý thức của người hút thuốc ở Việt Nam làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Một kết quả nghiên cứu của Italia cho thấy trung bình mỗi năm, 13 triệu người hút thuốc Italy vứt ra môi trường 72 tỷ mẩu thuốc. Số mẩu thuốc này chứa hơn 300 tấn nicotin, 1.872 triệu Bq (đơn vị đo phóng xạ) chất Polonium-210, 1.800 tấn các chất hữu cơ bay hơi gây nguy hiểm đến sức khỏe con người và rất nhiều hóa chất độc hại gây ảnh hưởng hại đến chất lượng đất, nguồn nước và không khí, nếu người hút vứt chúng ra ngoài môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phải mất từ 1 đến 3 năm để các mẩu thuốc lá này tự phân hủy.