Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – Nam Á thường xuyên 2020 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự khai mạc Hội chợ Trung Quốc – Nam Á lần thứ 6 |
Hội chợ diễn ra từ ngày 16-20/8/2023 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Điền Trì, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam do Chính phủ Trung Quốc giao Bộ Thương mại và Chính quyền Nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc phối hợp tổ chức.
Nhận lời mời của Chính quyền tỉnh Vân Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, cùng Lãnh đạo Bộ/ngành và địa phương Việt Nam tham dự. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham dự cùng đoàn công tác.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham gia Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 |
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội chợ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn chân thành về sự đón tiếp trọng thị, chu đáo dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam. Đồng thời chúc cho Hội chợ - sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế có quy mô lớn nhất của Trung Quốc với khu Nam Á thành công tốt đẹp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Hội chợ cùng nhiều sự kiện được tổ chức nhân dịp này. Với chủ đề “Đoàn kết hợp tác, cùng tìm kiếm sự phát triển”, Hội chợ là hành động thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp các nước trong khu vực mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư; tăng cường trao đổi thương mại; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn trước mắt và từng bước khôi phục sau đại dịch.
Chính phủ Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư với Trung Quốc và các nước khu vực Nam Á. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua, đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam. Đặc biệt, với các chuyến thăm cấp cao, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Với tỉnh Vân Nam, Phó Thủ tướng nhận định, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư và du lịch giữa Vân Nam và Việt Nam còn nhiều triển vọng, dư địa để phát triển, đặc biệt là việc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản có chất lượng cao từ Việt Nam, hợp tác về gia công chế biến tại chỗ... Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng trân trọng đề nghị Chính phủ Trung Quốc và Chính quyền tỉnh Vân Nam tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác toàn diện, kết nối sâu rộng về kinh tế thương mại, du lịch giữa tỉnh Vân Nam và các địa phương Việt Nam.
Phó Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam thăm các gian hàng tại Hội chợ |
Nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động, Việt Nam có các lợi thế cạnh tranh nổi trội, hội tụ các điều kiện trở thành bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới và là điểm đến tiềm năng trong quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tại Lễ Khai mạc Hội chợ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị: Cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Hội chợ Trung Quốc – Nam Á, làm phong phú và đa dạng hơn nữa các hình thức hợp tác trong khuôn khổ Hội chợ.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền tỉnh Vân Nam tiếp tục tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thông quan. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện thương mại, đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng tin tưởng, Hội chợ sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chủ động tìm kiếm các khả năng hợp tác, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, vượt thách thức để cùng phát triển thịnh vượng.
Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ có quy mô 150 gian hàng của gần 80 doanh nghiệp đến từ các tỉnh/ thành phố… trưng bày sản phẩm tại Khu gian hàng Việt Nam. Khu gian hàng Việt Nam có quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN. Các ngành hàng của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội chợ, gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thanh long, sắn lát, sản phẩm được chế biến từ dừa Bến Tre, giầy dép, nước hoa, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ…
Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam chụp ảnh lưu niệm |
Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra một số hoạt động bên lề khác: Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Nam Á lần thứ 4; Diễn đàn thương mại Trung Quốc - Nam Á lần thứ 16; Diễn đàn thương mại Trung Quốc - Đông Nam Á lần thứ 5; Diễn đàn tỉnh trưởng các nước hành lang kinh tế khu vực sông Mê Kông (GMS) 2023...
Vân Nam là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nam, Trung Quốc, có diện tích hơn 394 nghìn km2 (chiếm 4,1% diện tích toàn Trung Quốc), dân số 47 triệu người với 26 dân tộc khác nhau.
Đến nay, Việt Nam và Vân Nam đã tổ chức một số cơ chế hợp tác: Hội nghị Bí thư 4 tỉnh biên giới Việt Nam (Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Chương trình Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) được ADB khởi xướng năm 1992, bao gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai địa phương Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc; Hợp tác tiểu vùng Mê Công Lan Thương; Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh…
Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Vân Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại vào tháng 10/2022. Để triển khai cụ thể hóa những nội dung hợp tác tại Bản ghi nhớ, Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Nhân dân tỉnh Vân Nam đã trao đổi Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026. Hiện nay hai bên đã sẵn sàng ký kết trong dịp phù hợp.
6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Vân Nam - Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Vân Nam sang Việt Nam đạt 638 triệu USD, giảm 35,5%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 441 triệu USD, tăng 107,6%. Vân Nam nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là nông sản và quặng kim loại. |