CôngThương - Hơn 15,9 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên thị trường, gấp hơn 2 lần mức giao dịch trung bình hàng ngày từ đầu năm tới nay, đưa ngày cuối tuần 5/8 trở thành phiên giao dịch sôi động nhất trong hơn một năm qua.
Kết thúc ngày 5/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 60,93 điểm, tương ứng 0,54%, lên 11.444,61 điểm. Trong khi, các chỉ số S&P 500 giảm 0,69 điểm, tương ứng 0,06%, xuống 1.199,38 điểm và Nasdaq hạ 23,98 điểm, tương ứng 0,94%, xuống 2.532,41 điểm.
Trong tuần, đà bán tháo đã lan rộng hầu khắp các thị trường, do hàng loạt yếu tố yếu kém của kinh tế Mỹ được công bố, bên cạnh những áp lực từ cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ lan rộng ở khu vực kinh tế châu Âu.
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt 5,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2009 tới nay. Chỉ số S&P 500 hạ 7,2%, mạnh nhất kể từ tháng 11/2008. Và Nasdaq mất tới 8,1%. Đáng chú ý, S&P 500 đã để mất 12% kể từ phiên 29/4 tới nay.
Phiên hôm qua, thị trường thăng giảm nhanh chóng mặt, rất khó đoán định. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall tăng vọt lên 39,25 điểm vào đầu phiên, cao nhất kể từ tháng 5/2010, nhưng sau đó lại hạ nhanh và chốt ở 32 điểm, tăng 1,1%.
Trong ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm khu vực phi nông nghiệp trong tháng 7 đã tăng được 117.000 công việc, vượt xa mức dự báo 85.000 của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 9,2% trong tháng 6, xuống còn 9,1%.
Tuy nhiên, khả năng tổ chức định mức tín nhiệm S&P hạ xếp hạng nợ của Mỹ sau khi thị trường đóng cửa, đã gây áp lực lên các chỉ số chính. Trên sàn New York, số mã giảm điểm vượt trội hơn so với số tăng điểm với tỷ lệ khoảng 3/1, còn ở sàn Nasdaq, cứ hai cổ phiếu giảm điểm thì có một cổ phiếu đi lên.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ thị trường là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu được cho là đã sẵn sàng mua trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha, nếu Thủ tướng Italy Berlusconi cam kết thực hiện các cải cách cụ thể.
Hiện nhà đầu tư đang tập trung theo dõi các quan chức châu Âu sẽ xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này như thế nào, một trong những nhân tố quan trọng đã tác động sâu sắc tới các thị trường hàng hóa thời gian qua.
Không may mắn như thị trường Mỹ, khu vực chứng khoán châu Âu tiếp tục lao dốc. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,26% xuống còn 3.278,56 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượ 2,71% xuống còn 5.246,99 điểm. Chỉ số DAX của Đức chốt ở mức 6.236,16 điểm, giảm tới 2,78%.
Đóng cửa trước đó, do ảnh hưởng từ đà lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đêm 4/8, các sàn chứng khoán châu Á cũng trượt mạnh, với biên độ giảm trên 3% ở hầu khắp các thị trường chủ chốt.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo đánh mất 359,30 điểm (-3,72%) và đóng cửa ở mức 9.299,88 điểm, do chịu tác động từ các đợt bán tháo chứng khoán trên thị trường Mỹ và châu Âu.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 57,62 điểm (-2,15%) xuống 2.626,42 điểm, mức thấp nhất trong 10 tháng qua. Trong khi, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 938,60 điểm (-4,29%) xuống 20.946,14 điểm, đánh dấu mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kopsi của thị trường chứng khoán Seoul giảm 74,42 điểm (3,7%) xuống 1.943,75 điểm, mức thấp nhất trong năm tháng qua. Kể từ khi đóng cửa phiên thứ hai đầu tuần này, chỉ số Kopsi đã giảm tổng cộng 10,5%.
Hãng tin Yonhap dẫn lời chuyên gia phân tích Lee Young-Won thuộc công ty HMC Investment Securities, cho biết, "đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi chỉ trong bốn ngày chỉ số Kopsi mất tới hơn 200 điểm. Quả là một cú sốc".a