Chia sẻ với phóng viên Vuasanca , đại diện VSSA cho biết, ông đã công tác trong ngành mía đường hơn 23 năm, nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình vui như lúc này. Ông vui, vì mấy ngày gần đây liên tục nhận được những lời cảm ơn, lời động viên, khích lệ từ người nông dân cũng như một số nhà máy đường, rằng ngành mía đường và người nông dân trồng mía Việt Nam, đang có cơ hội sống lại rồi. Có lãnh đạo nhà máy đường gặp khó khăn trong hoat động, đã nhắn cho ông cảm ơn, bày tỏ rằng, nhà máy của họ đang có cơ hội để hồi phục phát triển trở lại.
Lý do vị đại diện VSSA chia sẻ như trên là bởi VSSA đã tích cực định hướng, cất lên tiếng nói chính đáng của doanh nghiệp và nông dân ngành mía đường, đồng thời phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo vệ sản xuất mía đường trong nước trước thách thức sống còn từ quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là từ vấn nạn đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan do được trợ cấp, bán phá giá vào thị trường Việt Nam mang tính hủy diệt ngành đường trong nước.
Nông dân ở Tây Ninh thu hoạch mía. Ảnh Cấn Dũng |
Ông Ngô Minh Chí - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Phước Điền (Tây Ninh) - đơn vị đang canh tác khoảng 700ha mía, cho biết: Ba năm gần đây, giá đường sản xuất trong bán ra thị trường tụt giảm thê thảm, do không thể cạnh tranh được với đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan. Nhiều nhà máy đường đã bị thua lỗ, không trụ được phải đóng cửa, những nhà máy khác hoạt động thì cũng mua mía giá rất rẻ, người nông dân trồng mía thua lỗ, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân đã bỏ mía.
Ông Chí chia sẻ, nhờ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan vừa qua đưa ra các giải pháp để bảo vệ ngành đường trong nước, bảo vệ người nông dân trồng mía trước sự cạnh tranh hủy diệt của đường nhập khẩu (chủ yếu là đường lậu), từ đầu vụ mía đường 2020-2021 đến nay, sư phát triển ngành mía đường đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Cụ thể, từ tháng 9/2020, khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía xuất xứ Thái Lan; mới đây nhất, Bộ Công Thương đã quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ Thái Lan, lượng đường nhập khẩu chính ngạch cũng như đường nhập lậu từ Thái Lan đã giảm, giá đường trong nước đã tăng lên đáng kể, các nhà máy đường đã điều chỉnh tăng giá mía nguyên liệu cho nông dân.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song ông Chí cho biết, những tín hiệu đã nêu đang khiến nhiều nhà máy đường và người nông dân trồng mía rất phấn khởi, kỳ vọng ngành mía đường sẽ hồi phục phát triển. Tuy nhiên, để người nông dân gắn bó với cây mía, phát triển ngành mía đường hiệu quả trong bối cảnh mới, ông Chí cho rằng, Chính phủ, bộ, ngành trung ương cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy, bảo vệ ngành sản xuất đường trong nước, có chính sách giúp người nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi hợp lý để đầu tư trồng mía theo hướng qui mô lớn, tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng.
Quyết định phòng vệ thương mại mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đường mía trong nước. Ảnh Cấn Dũng |
Ông Nguyễn Danh Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp Sản xuất và Tiêu thụ mía nguyên liệu Nghĩa Phú: Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VSSA… cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bảo vệ ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, để ngành mía đường Việt Nam phát triển cạnh tranh công bằng, sòng phẳng, cạnh tranh thắng lợi với mía đường trong khu vực và trên thế giới. |
Không chỉ ông Chí, ngày 22/2/2021, ông Trần Danh Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu Nghĩa Phú, huyện Nghĩa đàn, tỉnh Nghệ An, đại diện cho 48 thành viên HTX đang canh tác 72ha mía, cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU), cũng đã gửi thư tới Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VSSA…, cảm ơn và cho biết: Người nông dân trồng mía mấy năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do giá đường, giá mía tụt giảm. Thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VSSA… đã quan tâm, đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, bảo vệ ngành sản xuất đường trong nước, nhờ vậy giá đường đã tăng lên đáng kể. Giá đường trong nước tăng, nhà máy đường hoạt đông có lãi, Công ty NASU đã điều chỉnh giá mua mía của nông dân tăng lên để chia sẻ lợi ích. Đầu niên vụ 2020-2021, giá mía NASU áp dụng là 840.000 đồng/tấn, nay đã điều chỉnh tăng lên 900.000 đồng/tấn tại ruộng và áp dụng cho toàn bộ khối lượng mía đã được người trồng mía cung cấp cho nhà máy kể từ đầu vụ. Ngoài ra, NASU còn áp dụng thưởng mía có độ đường (chữ đường - CCS) cao hơn so với bình quân trong 5 ngày, với mỗi 1 CCS thưởng thêm 60.000 đồng/tấn, do vậy, một số hộ nông dân cung cấp mía nguyên liệu đã bán được mía với giá từ 1.020.000 - 1.080.000 đồng/tấn tại ruộng.
Không chỉ NASU, hầu hết các nhà máy đường trên cả nước, từ đầu năm 2021 đến nay, đứng trước những diễn biến có lợi cho sản xuất đường trong nước, đều đã điều chỉnh giá mua mía nguyên liệu tăng lên. Ông Trần Danh Hải khẳng định, quyết định điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (chủ yếu là đường nhập lậu) của Bộ Công Thương, đã làm nức lòng người nông dân trồng mía, chắc chắn giá mía sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân, do đường sản xuất trong nước không còn bị đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan chèn ép, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, sòng phẳng giữa người nông dân trồng mía của Việt Nam với nông dân trồng mía của Thái Lan.