Thách thức lớn
Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và thực thi, việc gia tăng các biện pháp PVTM tại nhiều nước, khu vực thị trường XK là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, theo ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, năng lực ứng phó với các rủi ro trong thương mại quốc tế của DN rất bất cập, một phần do nguồn lực hạn chế, nhất là sau hai năm đại dịch Covid-19, không ít DN bị giảm tài chính, chịu tổn thất nặng nề.
Doanh nghiệp cần cải thiện năng lực về phòng vệ thương mại |
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, việc quy định về PVTM trong các hiệp định FTA cũng gây ra những thách thức lớn cho DN, như: DN có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Đáng báo động hơn, do một phần không nhỏ DN Việt Nam tham gia “cuộc chơi” thương mại quốc tế chưa có ý thức hoặc sự hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ. Mặt khác, sự quan tâm, nhu cầu nắm bắt thông tin của DN về vấn đề này còn rất hạn chế, do đó, không chủ động được các biện pháp để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị cơ quan nhà nước hỗ trợ, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thậm chí, một số DN còn bị mất thị phần.
Tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra PVTM. Riêng trong năm 2021, có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ. Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, đối với các DN Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa XK của DN bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK.
Chủ động phòng tránh
Để thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu bền vững, tránh bị áp thuế PVTM đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thích ứng phù hợp với bối cảnh mới. Theo ông Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam), để chủ động đối phó với các vụ kiện PVTM, DN phải chịu khó tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong hiệp định, kể cả quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác lợi ích mà các FTA đem lại; đa dạng hóa thị trường. DN cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với bạn hàng nước sở tại để cập nhật thông tin…
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời DN khi các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo hộ sản xuất trong nước. Theo ông Chu Thắng Trung, Cục PVTM đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như: Cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra; cung cấp thông tin cho DN về quy trình điều tra, kịch bản ứng phó; trực tiếp cung cấp thông tin để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho DN Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác; can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài khi phát hiện hoạt động điều tra không phù hợp với quy định của WTO...
Thời gian tới, Cục PVTM sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức, hỗ trợ cộng đồng DN sử dụng công cụ PVTM và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của DN. Đặc biệt, Cục sẽ theo dõi và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp PVTM, ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này. Đồng thời, theo dõi giá, thị trường các mặt hàng đang áp dụng biện pháp PVTM để có kiến nghị kịp thời.
Ngoài cơ quan chức năng, các hiệp hội, ngành sản xuất cũng cần chủ động khuyến cáo thông tin về thị trường xuất khẩu cho DN, hội viên để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp PVTM |