Công cụ quan trọng
Phòng vệ thương mại (PVTM) là các công cụ được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Theo đó, PVTM gồm ba biện pháp: Chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ được quy định tại ba Hiệp định tương ứng của WTO. Ngoài ra, các nước còn điều tra và áp dụng biện pháp chống lại các hành vi lẩn tránh ba biện pháp trên (thường gọi là biện pháp chống lẩn tránh).
PVTM đang phát huy vai trò quan trọng |
Việc thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dẫn đến cơ hội dỡ bỏ hàng rào thuế quan và qua đó tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu của nền kinh tế. Tuy nhiên, song hành cùng với cơ hội là các thách thức đến từ sức ép của hàng nhập khẩu cũng như nguy cơ bị kiện PVTM ở nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, nâng cao năng lực về PVTM, đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ. Thời gian qua, nhất là trong năm 2020, việc triển khai công tác PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến việc xây dựng hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc PVTM và Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Đây là các Đề án nền tảng, tạo khuôn khổ nâng cao năng lực thực thi chính sách PVTM trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, nhằm thực thi hiệu quả nội dung PVTM theo EVFTA, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT ngày 26/11/2020 hướng dẫn thực hiện EVFTA về PVTM.
Cho đến nay, hệ thống pháp luật PVTM Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện từ Luật, Nghị định đến Thông tư, nâng cao khả năng áp dụng và xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về PVTM của các nước, tình hình cải cách WTO (như Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời - MPIA); theo dõi các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để đề xuất hoàn thiện chính sách PVTM của Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn trên thế giới.
Các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và bảo đảm giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh. Trong quá trình áp dụng các biện pháp PVTM, những quan ngại về việc khan hiếm hàng hóa, hàng hóa tăng giá do thuế hay việc giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng được Bộ Công Thương theo dõi, xử lý thông qua giám sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp cho phù hợp thực tiễn.
Xây dựng chiến lược ứng phó
Nhận định từ chuyên gia, các biện pháp PVTM hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, nhằm bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, khi tham gia các FTA, việc hiểu rõ các quy định cũng như vận dụng các biện pháp PVTM là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều khuyến cáo đã đưa ra luôn nhấn mạnh đó là, các doanh nghiệp cần làm quen và có chiến lược ứng phó phù hợp; đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình; thận trọng trong việc tăng công suất, đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu khi chỉ phụ thuộc vào thị trường duy nhất; chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến PVTM trong tương lai có thể xảy ra. Tích cực tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra…
Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ khởi xướng điều tra PVTM có thể bắt đầu với bị đơn là một doanh nghiệp hoặc một vài doanh nghiệp; vụ việc của họ gắn với lợi ích của một ngành hàng, gắn với nền sản xuất của cả nước. Vì vậy, vai trò của các hiệp hội, các tổ chức đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là rất lớn. Theo đó, khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không ngừng gia tăng, việc thực thi các cam kết của nhiều FTA, các hiệp hội cần chủ động khuyến cáo các thông tin về thị trường xuất khẩu cho hội viên, doanh nghiệp để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM cho doanh nghiệp hội viên biết…
Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, Cục PVTM, Bộ Công Thương đã tổ chức hàng loạt các chương trình tập huấn, đào tạo về PVTM cho các hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng: gỗ, mía đường, nhôm, dệt may, gốm sứ… trong đó tập trung vào chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, Cục PVTM đã tổ chức các hội thảo về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ cho các cơ quan địa phương; triển khai xây dựng các bản tin tuyên truyền về biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế; phối hợp với cơ quan báo, đài tuyên truyền, đưa tin về các biện pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp, thông tin về các vụ việc mà cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý.
Tuy nhiên, do lĩnh vực PVTM đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật và tài chính, thường xuyên xuất hiện những vấn đề mới, đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ làm PVTM ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp. Cùng với những kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu, số lượng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng đáng kể, trong khi nguồn lực có giới hạn, đang gia tăng áp lực ngày càng lớn cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Cục PVTM cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố và hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật về PVTM, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong công tác PVTM, nâng cao năng PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.