Khởi xướng điều tra PVTM gia tăng
Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc PVTM gồm cả các mặt hàng XK quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ... Xu thế gia tăng các vụ việc PVTM nhằm vào hàng XK Việt Nam theo Cục PVTM, là do XK của nước ta tăng nhanh với tác động tích cực từ việc tham gia các FTA. Đặc biệt, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu (NK), khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
Sắt thép là mặt hàng liên quan nhiều đến vụ việc PVTM |
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thông qua nhiều hoạt động như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/ thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho DN; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, nhờ những nỗ lực giải trình và hợp tác, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65/151 vụ việc, cao hơn mức trung bình của các nước trên thế giới. Những vụ kháng kiện thành công đã giúp nhiều DN XK tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì tăng trưởng XK, nhất là sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Canada...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng NK đến sản xuất trong nước. Theo đó, Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm đường lỏng HFCS NK từ Trung Quốc, Hàn Quốc; điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía NK từ Thái Lan. Hai vụ việc này theo dự kiến có thể xem xét áp dụng biện pháp tạm thời vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Khắc phục hạn chế
Hiện tại, công tác áp dụng các biện pháp PVTM đã đạt những kết quả rõ nét, song ghi nhận từ Cục PVTM cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đặt ra những thách thức trong tình hình mới. Mặc dù hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp triển khai trên thực tế đã được hoàn thiện, hỗ trợ quá trình triển khai, phối hợp giữa các cơ quan để ứng phó có hiệu quả với các vụ việc PVTM. Tuy nhiên, số lượng, khối lượng, độ phức tạp của công tác PVTM đang tăng nhanh bộc lộ nhiều hạn chế của hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp, triển khai. Đặc biệt, năng lực, sự chủ động về ứng phó PVTM của nhiều ngành hàng, DN còn hạn chế.
Thực tế, ngoài một số DN ngày càng chủ động phối hợp trong các vụ việc khởi kiện và kháng kiện, còn rất nhiều DN thiếu quan tâm, thậm chí lơ là dù Bộ Công Thương đã triển khai thường xuyên, rộng khắp các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các hiệp hội, cộng đồng DN về PVTM .
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, Cục PVTM khuyến cáo, các vụ việc PVTM đối với hàng XK của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, với tính chất phức tạp. Mặt khác, một số ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng NK do tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành. Vì vậy, để ứng phó với các vụ việc về PVTM, giải pháp đề ra là phải xây dựng chiến lược chủ động sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước; tăng cường nguồn lực cho công tác PVTM, kể cả rà soát, tổng kết, đề xuất định hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan PVTM.
Đặc biệt, các DN, Hiệp hội ngành hàng cần chủ động nâng cao năng lực về PVTM, coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là XK. “Việc ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa XK của ta đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng DN. Bộ Công Thương đã có đề nghị DN xây dựng chiến lược XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá “nóng” vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá”- ông Trung nhấn mạnh.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tham vấn và hướng dẫn các DN sản xuất trong nước, hiệp hội ngành hàng có liên quan để xem xét sử dụng kịp thời, hiệu quả các biện pháp PVTM. |