CôngThương - Hôm nay, công ty điện TEPCO hiện đang quản lý nhà máy điện Fukushima Daiichi công bố mẫu nước biển thu thập gần nhà máy điện hạt nhân trong nhà máy có mức độ phóng xạ cao gấp 7,5 triệu lần mức cho phép đối với phóng xạ i ốt.
Công ty tuyên bố dù phóng xạ ở mức này không thể lập tức gây ra ảnh hưởng nào lớn lên môi trường tuy nhiên vẫn đang cố gắng hết sức để ngăn rò rỉ phóng xạ.
Mẫu nước thải lấy trong ngày hôm nay được thu thập gần nhà máy hơn so với trước đó bởi các điểm lấy mẫu tính toán được bổ sung sau khi vết rạn mới được phát hiện ra chứ không phải cho thấy mức độ phóng xạ đang tồi tệ hơn.
Kết quả từ khảo sát các mẫu nước biển khác xa nhà máy khoảng vài trăm mét cho thấy mức độ phóng xạ cao hơn khoảng 1 nghìn lần so với mức cho phép, giảm 4 lần so với cuối tuần trước.
Cũng trong ngày thứ Ba, theo NHK đưa tin, công ty điều hành nhà máy đã cố gắng đưa chất làm cứng vào phía dưới chỗ rò rỉ phóng xạ để cố gắng ngăn phóng xạ chảy ra ngoài.
Chính phủ Nhật đã đặt ra mức phóng xạ mới đối với mặt hàng cá của Nhật sau khi nhà máy điện hạt nhân công bố phóng xạ trong vùng nước biển gần nhà máy cao hơn vài triệu lần mức cho phép.
Công ty vận hành nhà máy điện khẳng định phóng xạ sẽ nhanh chóng tan ra và không tiềm ẩn rủi ro nào, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng mức độ phóng xạ quá cao trong nhà máy có thể gây hại và làm nhiễm độc vùng nước biển trong khu vực.
Dù khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi không phải khu vực cá chính của Nhật, các ngư dân đang ngày một lo lắng hơn. Hoạt động đánh cá đã bị cấm xung quanh khu vùng biển này. Nhiều chuyên gia và người dân lo ngại nhu cầu đối với sản phẩm cá khu vực sẽ bị giảm nói chung, dù có bị nhiễm độc hay không.
TEPCO xả 11.500 tấn nước nhiễm xạ mức độ thấp ra Thái Bình Dương
Sáng nay, TEPCO đã bắt đầu tiến hành xả nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương. Tính đến đầu giờ chiều nay, TEPCO xả được 3.430 tấn trong tổng số 11.500 tấn nước nhiễm xạ mức độ thấp.
Hiện nay, khoảng 60.000 tấn nước nhiễm xạ vẫn đang được tích dưới tầng hầm của các lò phản ứng và ống ngầm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
60.000 tấn nước nhiễm xạ này sẽ được gom vào các bể chứa dự phòng di động tại nhà máy. Các bể chứa sẽ được chuyển đến nhà máy vào cuối tháng này.
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) sẽ phải tìm cách thải lượng nước phóng xạ này trước khi có thể khôi phục hoạt động của nhà máy.
Nga có thể chuyển nhà máy xử lý phóng xạ nổi Suzuran tới Fukushima 1. Suzuran từng được sử dụng để vô hiệu hóa tàu ngầm hạt nhân và là một trong những nhà máy xử lý nước phóng xạ lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc lo ngại
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về việc Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị nổ ra biển vào tối hôm qua.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản cho rằng việc Tokyo đổ ra biển nước nhiễm phóng xạ gấp 100 lần so với tiêu chuẩn cho phép có thể sẽ nảy sinh các vấn đề tranh chấp trong khuôn khổ luật quốc tế.
Trong một tin liên quan, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bắt đầu xem xét liệu động thái trên có vi phạm luật quốc tế liên quan đến đổ chất thải trên biển hay không.
Tối 4/4, Công ty điện lực Tokyo, doanh nghiệp vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima đã xả 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ nồng độ thấp vốn tồn đọng trong cơ sở xứ lý phế thải ra biển.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết sẽ tạm ngừng nhập khẩu nông sản ở tỉnh Chiba 1 ngày sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định hạn chế bán ra những nông sản do có khả năng bị nhiễm phóng xạ.