Cấp phép khai thác - vấn đề đang gây tranh cãi. Ảnh: Cấn Dũng
CôngThương - Theo báo cáo số 167/BC-CP ngày 25/6/2012 của Chính phủ, đến nay nước ta đã phát hiện được trên 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại KS khác nhau. Liên quan đến lĩnh vực KS, môi trường trong khai thác KS, hiện có 88 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và 24 văn bản điều hành của Chính phủ còn hiệu lực. Cùng với đó là gần 900 VBQPPL do HĐND và UBND 56/63 tỉnh ban hành. Hệ thống văn bản này cùng với Luật KS và Luật Bảo vệ môi trường đã tạo được hành lang pháp lý cho công tác quản lý và khai thác KS từng bước phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt “được” của hệ thống VBQPPL, lại là những bất cập tồn tại đã nhiều năm, nhưng việc giải quyết vẫn “còn nguyên”. Trong đó, cấp phép là một trong những vấn đề được bàn thảo khá nhiều. TS. Nguyễn Thành Sơn- Trưởng Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng- nhìn nhận: Trong quá trình thi hành Luật KS năm 1996-2010, thông qua 2 công cụ “cấp phép” và “phân quyền”, các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên KS đã đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đối khối lượng lớn tài nguyên KS từ sở hữu toàn dân thành nguồn thu của các nhóm lợi ích. “Từ năm 1996 đến nay, đã có hơn 1.271 đề án thăm dò KS được cấp phép. Số tiền đầu tư của xã hội cho 1.271 đề án này là không nhỏ, nhưng kết quả không được nhắc tới trong bất kỳ báo cáo nào của Bộ Tài nguyên và Môi trường - tương đương với nguồn KS bổ sung nhà nước nắm được là bằng 0”. Ông Sơn đặt câu hỏi: Như vậy nên gọi là cấp phép hay phù phép?
Ông Đặng Huy Hậu “Cần phải làm sao để BVMT trở thành ý thức chính trị của các nhà quản lý DN, thay vì chỉ tính đến lợi nhuận đơn thuần. Có như vậy, việc BVMT trong hoạt động KS mới đạt hiệu quả” |
Còn TS Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội - nhận định: Do chúng ta chưa xác định đúng tầm quan trọng của việc ban hành các VPQPPL liên quan đến việc quản lý, khai thác KS gắn với BVMT nên dẫn đến tiến độ ban hành các văn bản rất chậm, chất lượng văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất và khả thi, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KS.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Lê Văn Khoa- Viện Tư vấn phát triển (CODE) - cho biết thêm: Hệ thống các VBQPPL về hoạt động KS mới phù hợp trong giai đoạn ngắn (5-10 năm), trong khi các hoạt động về KS thường có chu kỳ kinh tế rất dài, từ 30-50 năm. Phí BVMT đang được tính theo quặng nguyên khai mà chưa tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm môi trường; một số loại phí, thuế còn thiếu tính khoa học, chưa khuyến khích DN đầu tư chế biến sâu; chưa có quy chuẩn kỹ thuật áp dụng riêng cho từng loại hình khai thác…
Với Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), hàng năm đơn vị này đã trích 1%, các đơn vị trong tập đoàn trích 0,5% từ giá thành chi phí sản xuất để phục vụ công tác BVMT. Song, những bức xúc về môi trường của DN này vẫn là “chuyện thường ngày”. Một trong những lý do dẫn đến những bức xúc cũng xuất phát từ chính những bất cập trong các VBQPPL. PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam (Vinacomin) đề nghị Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng khẩn trương ban hành văn bản quy định về phương pháp tính toán và quản lý tổn thất KS. “Phải coi mỏ KS như một cái kho trong lòng đất và việc quản trị cái kho đó phải tuân thủ như quy định quản trị đối với kho vật tư: Nhập, xuất, tồn, hao hụt và mọi sự biến động khác phải được theo dõi, cập nhật, thống kê chính xác và phân tích, đánh giá kịp thời” - ông Nam ví von.
Về các chính sách pháp luật về thuế, phí và lệ phí liên quan đến quản lý, khai thác KS gắn với BVMT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai - thừa nhận, trong quá trình triển khai, thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc như: việc tính thuế chủ yếu dựa vào kê khai của DN nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định chính xác sản lượng. Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ nguyên tắc xác định thuế suất thuế thu nhập DN đối với dự án khai thác tài nguyên quý hiếm, việc xác định trữ lượng mỏ làm căn cứ quy định mức thuế suất lại tính tại thời điểm cấp phép, trong khi trữ lượng khai thác có thể sẽ biến động…, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, dễ tùy tiện, cảm tính, tạo cơ chế xin-cho, không góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong BVMT…
Đại diện tỉnh Quảng Ninh - mỏ than của đất nước- Phó chủ tịch UBND tỉnh - Đặng Huy Hậu kiến nghị, Chính phủ cần đưa vấn đề BVMT trong hoạt động KS của tỉnh vào chương trình trọng điểm quốc gia để có sự đầu tư tương xứng. Điều chỉnh nâng mức thu phí BVMT trong khai thác KS để đáp ứng được yêu cầu cải tạo, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường… TS Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường - kỳ vọng, những trao đổi, kiến nghị thẳng thắn và tâm huyết của các đại biểu tham dự hội nghị sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật về quản lý, khai thác KS gắn với BVMT - một trong những vấn đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.