Quản lý quá mức cần thiết
Liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ chế quản lý hoạt động dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động. VCCI cho rằng, đối tượng cần quản lý ở đây là các hoạt động/sự kiện nghệ thuật, đã được kiểm soát thông qua một giấy phép được cấp cho từng hoạt động/sự kiện riêng biệt. Như vậy, nguy cơ hoạt động biểu diễn nghệ thuật có thể tác động xấu đến các lợi ích công cộng đã được kiểm soát gần như tuyệt đối.
Tuy nhiên, trong năm 2020, khi xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP, cơ quan soạn thảo đã bổ sung qui định về điều kiện kinh doanh đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ này. Việc bổ sung điều kiện đối với chủ thể cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trong khi cơ chế quản lý hiện hành đã có thể làm tốt, là tạo ra rào cản không cần thiết đối với các chủ thể muốn kinh doanh cung cấp các dịch vụ biểu diễn nghệ thuật.
Hay mới đây, khi xây dựng dự thảo Nghị định về thẩm định giá, cơ quan soạn thảo cũng đã bổ sung điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, yêu cầu họ “phải có số năm kinh nghiệm nhất định”, “số lượng tối thiểu bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đã ký”, với mục đích là nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan soạn thảo lý giải, việc đưa ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật kinh doanh thẩm định giá, là nhằm đảm bảo tính pháp lý phù hợp với Luật Đầu tư 2014 qui định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (thẩm định giá là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện).
Ảnh minh họa |
VCCI cho rằng, việc bổ sung điều kiện với người đại diện theo pháp luật hoạt động thẩm định giá, là chưa phù hợp với Luật Giá. Thẩm định giá tuy là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, nhưng điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này khi thể hiện cụ thể ở cấp Nghị định (hướng dẫn Luật Giá), phải phù hợp với Luật Giá, cần phải xem xét lại tính phù hợp pháp lý của qui định này.
Theo quy định của pháp luật về giá, thì người chịu trách nhiệm đối với chất lượng của báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp. Áp đặt điều kiện cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là chưa đủ sức thuyết phục để khẳng định đảm bảo chất lượng của dịch vụ thẩm định giá. Còn những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp thẩm định giá, thì đưa ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá khó có thể giải quyết được vấn đề, đây là biện pháp quản lý chưa thích hợp.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trước những bất cập từ thực tiễn, cấp có thẩm quyền đã sửa đổi các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, loại bỏ một số điều kiện bất hợp lý, nhưng cơ quan quản lý (soạn thảo) lại bổ sung thêm một điều kiện bất hợp lý đó là lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”. Đây là một loại giấy phép mới có nguy cơ tăng thủ tục xin - cho, trùng lặp về mục tiêu quản lý.
Việc yêu cầu lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, được suy đoán là nhằm đảm bảo có đủ kỹ năng lái xe an toàn. Tuy nhiên, khi người lái xe đã có “giấy phép lái xe”, có nghĩa là Nhà nước đã thừa nhận họ có đủ khả năng lái xe an toàn đối với loại phương tiện tương ứng. Yêu cầu người lái xe vừa có “giấy phép lái xe” vừa có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, là tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính, chi phí và thời gian đối với lái xe và doanh nghiệp, vì lái xe phải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép vì một mục tiêu quản lý tương tự nhau.
Kinh doanh vận tải. Ảnh minh họa |
Trong xu hướng cải cách, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, việc quản lý hoặc ban hành các chính sách theo kiểu chặt chẽ quá mức cần thiết, can thiệp sâu vào thị thị trường..., dường như đang đi ngược lại với các mục tiêu mà Chính phủ theo đuổi. Dẫu biết, quản lý là nhằm hướng đến giảm thiểu rủi ro tác động đến lợi ích công cộng của hoạt động kinh doanh, nhưng những biện pháp quản lý theo “lối tư duy cũ” chưa giải quyết đúng vấn đề mà còn tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp. |
Can thiệp sâu vào thị trường
Sử dụng biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào các vấn đề vốn dĩ do thị trường điều chỉnh đã được hạn chế khá nhiều trong những năm qua. Nhà nước đã kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, chỉ áp dụng các biện pháp quản lý cần thiết trong những ngành nghề kinh doanh có thể đưa đến những rủi ro cho lợi ích công cộng. Tuy nhiên, biện pháp quản lý có tính chất can thiệp sâu vào thị trường, vẫn còn trong một số văn bản pháp luật ở một số lĩnh vực.
Chẳng hạn, liên quan đến kê khai giá cước một số loại hình vận tải hành khách, thủ tục kê khai giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi, mới đây, khi sửa đổi Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT, cơ quan soạn thảo đưa ra qui định: “Trước ít nhất 05 ngày làm việc khi thực hiện theo giá cước kê khai, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải gửi văn bản kê khai giá cước tới Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (hoặc chi nhánh hạch toán độc lập). Sở Giao thông vận tải rà soát văn bản kê khai giá, yêu cầu doanh nghiệp giải trình nếu chưa rõ ràng về lý do điều chỉnh giá cước. Doanh nghiệp sẽ không được áp dụng mức giá đăng ký điều chỉnh khi phần giải trình lý do điều chỉnh giá cước không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá cước.
Trình tự, thủ tục nêu trên cho thấy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét các yếu tố cấu thành giá cước, quyết định việc tăng hoặc giảm giá cước có hợp lý không, không cho phép thực hiện mức giá mà doanh nghiệp đề xuất nếu thấy bất hợp lý. Đây được xem là biện pháp can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp, chưa phù hợp với pháp luật về giá. Theo quy định của Luật Giá, thì dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và xe taxi, không thuộc nhóm dịch vụ nhà nước thực hiện bình ổn giá. Mặt khác, hoạt động kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, taxi đang có thị trường cạnh tranh, nếu xếp nhóm này vào lĩnh vực phải thực hiện thủ tục để phục vụ cho quản lý giá dường như chưa thật hợp lý.
Hay trong hoạt động thẩm định giá, việc cơ quan quản lý yêu cầu số lượng tối thiểu bộ “chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá phải ký trong năm” đối với thẩm định viên về giá, nếu không đạt được số lượng nhất định, thì doanh nghiệp sẽ không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo. VCCI cho rằng, đây là biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường, vì doanh nghiệp không thể biết trong năm họ sẽ có bao nhiêu khách hàng, cung cấp được bao nhiêu dịch vụ mà phụ thuộc vào thị trường. Quy định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải đình chỉ hoạt động, do các thẩm định viên về giá “không ký đủ số chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường cạnh tranh lĩnh vực này.